Số 156
Ngày 1 tháng 4 năm 2015
Nguyệt San Giao Mùa
P.O. Box
378
Merrifield, Virginia
22116
USA
Thư Ngỏ
Nhanh thế, mới mừng năm mới Dương Lịch 2015 mà hiện tại đã là tháng 4. Thời gian có thể trôi chậm với bao nhiêu người khi họ đang chờ đoàn tụ với người thân hay đang mong đợi ai. Với tôi, thời gian không nhanh, không chậm, cứ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tôi đếm tuổi cha mẹ và tuổi của mình cứ tăng dần. Lo lắng, trách nhiệm cũng tăng dần, niềm vui có cũng rất hiếm hoi. Tôi phải lạ cho cuộc đời, nhiều khi cứ tự hỏi mình sống cho đến tuổi này ít nhiều gì cũng phải tìm ra niềm vui chứ. Thời gian thì trôi, vạn vật thay đổi. Cứ nhìn lên bầu trời, lúc nắng ráo hay mưa rào, từng giây từng phút đều có biến chuyển nếu bạn theo dõi biến động của nó. Tôi quan sát những biến chuyển đó ngày qua ngày và tự trả lời cho mình là mình có thích nghi được với cuộc đời đang sống và lớn lên cùng với ngày tháng hay không là do mình thay đổi được suy nghĩ của mình để bắt kịp với những biến chuyển không ngừng của đời sống.
Gần đây, nhờ có Iphone, tôi có một trang Instagram chứa những hình tôi chụp được chung quanh nơi đang sống. Tôi đam mê chụp ảnh lúc này không khác gì lúc trước tôi đã đam mê viết văn và làm thơ. Có lẽ trong chừng mức nào đó tôi cám ơn cuộc đời còn cho tôi chút thời gian để dồn say mê của mình vào điều mình yêu thích.
Tháng 4 và những tháng sắp tới của năm sẽ không còn là những dòng chữ mà sẽ là những hình ảnh tôi ghi lại được trong năm. Mong mỗi người trong chúng ta sẽ tìm được ít nhất một hay nhiều điều chúng ta rất ham muốn làm và có thời gian để làm trong cuộc đời cho đời sống đáng yêu hơn.
Một tháng nữa cùng nhau, thân ái gửi đến các anh chị và bạn đọc Giao Mùa gần xa lời chúc sức khỏe và nhiều niềm vui trong đời sống thường nhật nhé.
Trân Trọng
Vành Khuyên
Ban Biên Tập Giao Muà
Bài vở trên Giao Muà là do các tác giả gửi đăng và Giao Muà không chịu trách nhiệm về nội dung. Muốn xin trích đăng lại, xin liên lạc với GiaoMua@hotmail.com.
I . Thơ _______________________________________________________________________
1. Em Vẫn Nhớ ... | ______Nguyên Hà | |||||||||||||||||||||||||
2. Đêm Mùng 6 Tết | ______ Hồ Chí Bửu | |||||||||||||||||||||||||
3. Thầm Yêu | ______ Dạ Lan | |||||||||||||||||||||||||
4. Giọt Nước Mắt Ngà | ______ Nguyễn Hải Bình | |||||||||||||||||||||||||
5. Tết Xa Quê | ______ Sông Cửu | |||||||||||||||||||||||||
6. Bèo Mây | ______ Hàn Thiên Lương | |||||||||||||||||||||||||
7. Ly Rượu Quê Hương | ______ Nguyễn Thị Thanh Dương | |||||||||||||||||||||||||
8. Phố Xá Xôn Xao | ______ Tuyền Linh | |||||||||||||||||||||||||
9. Thư Gởi Bạn ở Quê Nhà |
______ Song An Châu 10. Xem Bói |
|
______Vành Khuyên | 11. Tình Người Tha Hương. |
|
______ Nguyênhoang | 12. Ôm Nhục Xuống Mồ |
|
______Ngọc Long | 13. Biên Cương CÙ HANH: Miền Đất Đỏ |
|
______Tình Hoài Hương |
14. Tình Khúc Buồn |
|
______
Chung Thủy |
15. Điền Hải |
|
______ Sông Trà |
16. Tháng Tư |
|
______Trần Đan Hà |
17. Tết San Jose |
|
______Nguyễn Đông Giang |
|
II . Văn _______________________________________________________________________
1. Chờ Mong Tờ Điện Tín . ___________ Nguyễn Thị Thanh Dương | 2. Hiến Chương Tình Yêu (truyện dài nhiều kỳ) ___________ Tình Hoài Hương |
3. I Love My Job ___________ Vành Khuyên |
4. Căn Nhà Sau Cửa Biển (truyện dài) ___________ Phan Thái Yên |
5. Dậy Mà Đi ___________ Trần Thành Mỹ |
IIỊ Trả Lời Bạn Đọc__________________________________________________
1. Nhắn Tin/Trả Lời Bạn Đọc _______ Ban Biên Tập |
I . Thơ __________________________________________________
II . Văn___________________________________________________________
Nguyễn Thị Thanh Dương
Nguyễn Thị Thanh Dương
2. Hiến Chương Tình Yêu (truyện dài nhiều kỳ) Tình Hoài Hương
Tình Hoài Hương
Vành Khuyên
Vành Khuyên
4. Căn Nhà Sau Cửa Biển (truyện dài) Phan Thái Yên Phan Thái Yên
Trần Thành Mỹ Trần Thành Mỹ
IIỊ Hộp Thư Toà Soạn
___________________________________________________
Thể lệ để nhận Nguyệt San Giao Muà:
1) Để vào danh sách của NSGM (subscribe),
xin gửi email về GiaoMua@hotmail.com
Địa Chỉ Liên Lạc:
Nguyệt San Giao Muà
Copyright
2002 by Giao Muà e-magazine and respective authors
Sau 1975 những người còn ở lại miền Nam Việt Nam không biết những ai đã nghĩ ra và những ai đã là người đầu tiên ra khơi vượt biển đi tìm tự do ? để cho dòng người đi sau tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ nếu các trại tị nạn không đóng cửa chấm dứt chương trình cưu mang những người vượt biển.
Ai cũng mơ ước, cũng tính đường đi tìm tự do tùy theo hoàn cảnh khả năng tài chính của mình. Bao nhiêu người đã may mắn đến bến bờ và cũng bao nhiêu người bất hạnh bỏ xác ngoài biển khơi ...
Tôi nhớ mãi một câu chuyện vượt biên dù đã mấy chục năm qua rồi .
Khỏang năm 1983 nhà tôi quay trở lại bán cà phê và nước ngọt, lúc này công nhân viên của nhà máy Z751 ( tức "Lục quân công xưởng" trước 1975) không đông đảo như nhân viên và lính tráng trước kia, nhưng khách hàng vẫn khá đông là bà con lối xóm.
Chú Bích là người hàng xóm hay ra uống cà phê tại quán tôi . Nhà chú ở trong hẻm, bước ra khỏi hẻm đi vài căn là tới qúan cà phê nên rất thuận tiện cho chú .
Lần nào ra quán chú cũng dẫn theo thằng con út tên Báu khỏang 10 tuổi và gọi cho nó một chai nước ngọt, hai bố con ngồi uống như hai người bạn, bố uống xong cà phê trước thì đợi thằng con uống xong phần chai nước ngọt hai bố con mới ra về, dù nó vừa uống vừa nói huyên thuyên với bố đủ thứ chuyện thật lâu .
Có lần hai bố con đang uống trong quán thì thằng Báu thấy ông bán cá Lia Thia cá Xiêm dắt xe đạp đi ngang qua, nó vùng chạy ra xem và đòi bố mua . Chú Bích bỏ dở ly cà phê đen nóng bước ra ngoài, ông bán cá đã đứng lại đợi khách, thằng Báu ngắm nghía đã đời từng con cá sắc màu đang bơi ngoe nguẩy trong những bịch ny lông treo tòn ten đầy trên khung giây thép cứng chở sau xe của ông bán cá rồi mới chọn cho mình 1 con cá Xiêm vừa ý, thằng bé khôn thật cá Xiêm đắt tiền hơn cá Lia Thia và đẹp hơn, trẻ con nào cũng thích.
Khi trở vào quán ly cà phê của chú Bích đã nguội tanh mà cả bố và con cùng vui. Chú thương con và chiều con lắm.
Thằng Báu giống bố, đẹp trai giống bố. Hình ảnh hai cha con đi đâu cũng có nhau đã quen thuộc với tôi cũng như với mọi người hàng xóm, ngay cả khi chú Bích mang chiếc xe đạp ra tiệm sửa xe thằng Báu cũng lót tót đi theo, tôi cũng đang chờ vá chiếc xe đạp tại đây và nghe thằng Báu nói với bố:
- Mai mốt con lớn con làm nghề sửa xe đạp, sửa xe cho bố không lấy tiền,
Lời nói ngây thơ mà chí hiếu, tôi nghe còn cảm kích nói gì chú Bích, chắc chú rất mát lòng.
Hai cha con thật thân tình và gần gũi như bóng với hình.
Chú Bích là đại úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ngày 30 tháng Tư năm 1975 chú đang nằm điều trị tại Tổng y viện Cộng Hòa.
Khi quân Việt Cộng chiếm bệnh viện và xua đuổi những thương bệnh binh chế độ cũ ra ngoài, chú trở về nhà với vết thương điều trị dở dang ....Nhưng nhờ thế mà chú không thể đi trình diện tập trung "học tập cải tạo" được,. ủy ban phường đã cho chú Bích ở nhà dưới sự quản chế của địa phương, chú Bích không thể đi đâu xa hay vắng mặt lâu được.
Mấy năm qua, từ ngày miền Nam bị "giải phóng" chú Bích chỉ ở nhà, làm việc nhà trong khi vợ chú bôn ba làm việc hết tổ hợp này đến tổ hợp khác để nuôi chồng và 3 con. Không ai hiểu vì sao chú không đi làm khi sức khỏe đã tương đối khá .
Vậy mà một hôm hàng xóm kháo nhau rằng chú Bích dẫn thằng Báu đi vượt biên. Người đời thính tai và tinh ý thật, nhà nào có ai đi vắng chẳng dấu được lâu, nếu một hai tháng không trở về thì một là đi vượt biển trót lọt, hai là chết biển hay là vào tù ...
Bởi thế có ai đó đã chế ra câu " Con đi được con nuôi má, con chết biển thì nuôi cá, và con ngồi tù thì má nuôi con "
Xóm tôi thời điểm đó đã có hai gia đình có con đi vượt biển bị mất tích.
Nhà bà Tịnh đứa con gái đi chuyến tàu chưa ra tới khơi xa đã bị đắm, nghe đồn những xác chết trôi tấp vào Mũi Né Phan Thiết, bà Tịnh đã tất tưởi ra Phan Thiết ăn chực nằm chờ thuê người đi tìm xác con gái mấy ngày mà không được..
Nhà bà Trí thì tang thương hơn, cả con và cháu là 5 người, họ ra đi biền biệt không một tăm hơi gì. Bà Trí chờ mong tin và đau khổ đến héo hon gầy rộc đi như một xác mắm khô. Nhưng bà vẫn can đảm một năm sau lại cho thằng con trai đi vượt biên tiếp, chuyến này trời không phụ lòng bà, chuyến tàu nó đi đã cặp bến bình yên.
Bà Trí từng tuyên bố với người bạn thân: " Tôi cho các con đi vượt biển để tìm tương lai, các con đi được thì dù tôi có ra chợ ăn mày hay ai mang tôi ra chợ bắn chết tôi cũng chịu "
Tôi thông cảm cho hoàn cảnh chú Bích lắm, vì gia đình tôi cũng đang "xây mộng" cho các em đi vượt biển nên cầu mong nếu tin đồn ấy là sự thật thì hai cha con chú được bình yên đến nơi đến chốn.
Chú Bích không dẫn con đến quán tôi uống cà phê suốt hai tuần lễ liền. Có lẽ giờ này hai cha con chú đang lênh đênh ngoài biển khơi rồi ?
Bây giờ thì hàng xóm đã hiểu ra, chú Bích không đi làm vì không muốn bị ràng buộc bởi công việc để dễ dàng toan tính chuyện vượt biên.
Nhà cô Bích thì cửa đóng then cài để tránh sự dòm ngó của hàng xóm và công an khu vực.
Cho đến tuần lễ thứ tư thì hàng xóm lại kháo nhau:
- Chú Bích đến đảo rồi.
- Hai cha con thật may mắn.
- Cũng may cho ông đại úy, ở nhà bị công an quản chế, cứ mỗi tháng phải ra trụ sở công an trình diện một lần, đi đâu phải xin phép, tù giam lỏng như thế ai mà chịu nổi, mấy năm qua tuy mang tiếng là hết hạn quản chế nhưng công an khu vực vẫn thỉnh thoảng đến nhà thì khác gì bị quản chế đâu.
Có bà không tin hỏi lại cho chắc ăn:
- Sao bà biết là đại úy Bích đến đảo rồi ? mà đảo nào ?
- Chẳng biết đảo nào, miễn là đến xứ tự do. Sáng qua chính mắt tôi thấy cô Bích hớn hở nấu cà ri gà, chắc mấy mẹ con ăn mừng vì được tin chồng vượt biển thành công.
- Sao bà biết cô Bích nấu cà ri gà ? bà có vào bếp nhà cô Bích không ?
Bà kia quyết liệt:
- Tôi đi chợ thấy cô Bích mua 1 con gà và bó xả ..
Một bà có mấy đứa con đi vượt biển may mắn đến nơi đã tỏ ra hiểu biết:
- Nay mai cô Bích có điện tín thì biết ngay, không đảo Bidong Mã Lai, thì đảo Galang Indonesia, không đến Songkla Thái Lan, thì đến Phi Luật Tuân, Hồng Kông ...
Thế là tin đồn bố con chú Bích đi vượt biên đến nơi và ở nhà vợ chú đã nấu món cà ri gà ăn mừng bung ra, càng lúc càng lan rộng, mấy người hàng xóm đến quán tôi uống cà phê truyền tai nhau thoải mái thì làm gì mà công an khu vực và uỷ ban phường không biết.
Công an phường đã gọi cô Bích lên để chất vấn và dọa sẽ cắt hộ khẩu chồng con cô, cô Bích một mực chối cãi nói rằng hai vợ chồng bất hòa cãi nhau rồi ông chồng giận dỗi mang thằng út đi đâu cô không hề biết.
Tới giờ phút này thì khó có thể dấu diếm được nữa, với niềm vui mừng cô Bích đã tâm sự kín đáo với vài người hàng xóm thân là chú Bích và thằng Báu đi vượt biển, hai người cùng chuyến tàu đã đánh điện tín về nên cô rất mừng, chỉ yên trí đợi điện tín của chồng gởi về thôi .
Thế là tất cả những tin đồn đều là sự thật, kể cả chuyện nhà cô Bích nấu cà ri gà ăn mừng. "Tình báo" hàng xóm thật bén nhạy .
Ngày nào cô Bích cũng mong chờ anh đưa thư đi qua, thậm chí nhà không có thư cô Bích cũng vẫy anh đưa thư để hỏi thăm là có điện tín hay thư từ gởi đến địa chỉ nhà cô không?
Chắc cô Bích e rằng anh đưa thư để thất lạc tờ điện tín của chồng cô đâu đó, vì mỗi ngày qua mà vẫn bặt vô âm tín.
Vài tháng đã trôi qua, niềm vui mừng của gia đình cô Bích đã xẹp xuống bớt, cô băn khoăn và lo lắng ra mặt, ai hỏi thăm thì cô chỉ trả lời đang chờ đợi điện tín của chồng, cô đặt nghi vấn là có thể chú Bích làm mất chỉ vàng mang theo nên không còn tiền để thư từ hay đánh điện tín nữa? Hoặc chú muốn làm gia đình bất ngờ đợi đến Mỹ mới báo tin chăng?
Cô Bích đã bám víu vào những lý do mong manh ấy để hi vọng, để đợi chờ.
Và rồi không ai dám lên tiếng hỏi thăm cô Bích về tin chồng con của cô nữa, chỉ sợ làm cô hoang mang thêm và lo lắng thêm.
Nhưng cô Bích vẫn không ngừng hi vọng, cô vẫn chờ anh đưa thư mỗi ngày đi qua nhà ...
Anh đưa thư qúa quen thuộc với địa chỉ những người trong xóm, anh hiểu thấu tim gan người ta, biết tâm lý của người ta, nhà nào có thư thường tức thư nội địa trong nước Việt Nam thì anh làm xong nhiệm vụ một cách mau chóng, chẳng trông mong gì, nhà nào có thư từ nước ngoài gởi về anh hớn hở mang tới và bao giờ cũng nhận được tiền thưởng của người nhận thư dù chưa biết trong thư nói gì.. Nhất là nhà có người đi vượt biên gởi điện tín báo tin đã đến trại tị nạn là anh càng lãnh thưởng nhiều, anh biết mình sẽ là người đầu tiên báo tin vui, anh biết cách làm người ta sốt ruột mới chìa tờ điện tín ra.
Có lần anh mang tờ điện tín cho bà Sáu hàng xóm cạnh nhà tôi, 2 đứa con bà đi vượt biên 4-5 tuần lễ mà chưa có tin, gia đình bà như ngồi trên chảo lửa, anh đưa thư thong thả chống chân xe đạp và càng thong thả mở cái túi đeo trên vai đựng đầy thư từ rồi lại thong thả nói khi cả nhà bà Sáu đã đứng trước mặt anh nãy giờ::
- Điện tín... từ Mã Lai nè ...ai ra ký tên nhận giùm.
Cả nhà bà Sáu cùng vỡ òa niềm vui mừng không cần dấu diếm, nhận tờ điện tín và dúi vào tay anh đưa thư một nắm tiền không cần đếm..
Sau này anh đưa thư sắm xe Honda loại xịn đi đưa thư chắc là nhờ anh ky cóp những bổng lộc này.
Anh đưa thư đã mang tin vui đến cho nhiều người, nhưng nhà cô Bích thì không, nhìn vẻ mặt cô Bích hi vọng và thất vọng mỗi ngày khi không có thư từ, anh đưa thư cũng mủi lòng, anh né không dám đi ngang qua nhà cô Bích nữa mà đi lòng vòng lối khác để giao thư cho được yên thân. Tôi hỏi điều này thì anh đưa thư xác nhận:
- Tôi không nỡ nhìn cô Bích thất vọng chị à, mỗi lần thấy tôi cô Bích không hỏi nữa chắc vì cô ngại đã hỏi nhiều lần mà không có gì, nhưng cô vẫn nhìn tôi với ánh mắt chờ mong ...
Tôi chỉ biết thở dài:
- Cô Bích cũng có lý chứ, biết đâu tin vui đến muộn ? Không lẽ người đi cùng tàu đến nơi mà cha con chú Bích không đến nơi.
Đã nhiều lần cô Bích đến hai gia đình họ hàng bên chồng có người thân đi cùng chuyến tàu với chồng con cô để hỏi thăm tin tức nhưng vẫn không biết gì hơn.
Rồi họ đã đi định cư ở nước ngoài do được bảo lãnh từ lâu, mà cô Bích vẫn chưa nhận được điện tín của chồng.
Điều bí ẩn ấy bao trùm lên gia đình cô Bích và hàng xóm suốt nhiều năm trời.
*******************
Năm 1991 gia đình tôi sang Mỹ định cư diện HỌ5, và hơn 10 năm sau tôi tình cờ bắt liên lạc được với người bạn thân cùng xóm tên Hằng sống ở Houston, Texas. Hằng di tản sang Mỹ từ năm 1975, Hằng là cháu ruột của chú Bích.
Sau những lần chuyện trò hỏi thăm nhau từ qúa khứ đến hiện tại kể từ khi biến cố 1975, tôi mới chợt nhớ ra và hỏi Hằng về chú Bích và đã biết sự thật đau lòng.
Chuyến tàu chở hơn 70 người đi vượt biển bị lạc hướng lênh đênh nhiều ngày trên biển, xăng dầu, thực phẩm và nước uống dự trữ hầu như cạn kiệt, thuyền trôi tự do và chờ chết chùm, không chết vì biển thì cũng chết vì đói khát, mọi người lo sợ khóc lóc và đọc kinh cầu nguyện ngày đêm tùy theo tôn giáo của mình, cả tàu tuyệt vọng và bi thảm như đại tang..Họ suy xụp cả thể xác lẫn tinh thần, đoàn người như những bóng ma trong con tàu trôi vật vờ vô định cả ngày lẫn đêm.
Chiếc tàu trôi dạt vào gần một hòn đảo thì mắc cạn, ai nấy đều mừng rỡ coi như vừa chết đi sống lại, đám đông kéo nhau lên đảo, nước ngập lên tới cổ tới ngực tùy chỗ nông sâu.
Chưa biết trên đảo có gì nhưng biết là không bị chết chìm ngoài biển khơi là mừng rồi.
Giữa cảnh chen lấn nhau lên bờ thằng Báu xảy chân ngã xuống biển, khi người ta biết và cứu được thì nó đã chết đuối rồi. Chú Bích ôm xác con lên bờ khóc lóc một cách điên dại.
Dù mệt mỏi và đuối sức, những người đồng hành cũng giúp chú Bích để xác thằng Báu vào một khe đá và lấy những tảng đá nhỏ khác che chắn lại coi như một nấm mồ.
Một nhóm khác đi dạo thử trên đảo để xem xét tình hình, họ nói đây là đảo hoang chỉ toàn là san hô và đá tảng với vài loại cây mọc thưa thớt chẳng thể tìm đâu ra lương thực hay nước uống cả.
Bây giờ đám thuyền nhân lại lo chết đói chết khát trên hòn đảo hoang vu rộng lớn này. Họ quyết định rủ nhau đi tìm chỗ nào cao ráo nhất để đốt vải, đốt áo làm khói hiệu may ra có tàu nào trông thấy mà đến cứu còn hơn ngồi chờ chết.
Mọi người đi, nhưng chú Bích không chịu địChú Bích bây giờ như một người điên, chú ngồi khư khư bên xác thằng Báu với đôi mắt vô hồn và miệng thì không ngớt lẩm bẩm một câu duy nhất:
- Cứu con tôi! cứu con tôi! cứu con tôi!
Mọi người xúm vào khuyên giải và năn nỉ chú:
- Đằng nào cháu cũng chết rồi, anh hãy đi theo chúng tôi để tìm sự sống?
Hai người cháu họ của chú cũng vừa rơi nước mắt vừa vỗ về chú như vỗ về một đứa trẻ con:
- Chú ơi, chú để xác thằng Báu ở đây, đi với tụi cháu, chúng ta phải đi khỏi nơi đây may ra sẽ sống sót ...
Nhưng chú Bích vẫn khăng khăng từ chối, chú lảm nhảm gọi tên con và khóc tu tu thảm thiết.
Thật không ngờ một người lính tác chiến từng vào sinh ra tử, chỉ sau những ngày lênh đênh trên biển với bao căng thẳng lo âu, bao suy nhược tinh thần và thể xác cộng thêm cái chết bất ngờ của thằng con thâu yêu mà người đàn ông can trường ấy bỗng hóa thành điên dại.
Không thể thuyết phục được chú Bích đoàn người để chú ở lại bên xác con và kéo nhau đi tìm chỗ khác trên đảo. Họ lôi thôi lếch thếch dắt díu nhau, bồng bế nhau, lôi kéo nhau đi trên những tảng đá nhọn gập ghềnh cả nửa buổi trời đến nỗi nhiều người chân chảy máu hay sưng vù lên ...
Tới một chỗ khá cao, tầm nhìn ra biển rộng hơn thoáng hơn thì họ dừng lại. Khi trông thấy bóng con tàu nhỏ xíu ngoài xa họ đốt áo cho khói lên liên tục nhưng chiếc tàu vẫn vô tâm không hề hay biết.
Sáng hôm sau họ tỉnh dậy sớm thì thấy một con tàu đang lù lù đến rất gần, nhiều người mừng vui qúa hét hò lên vang trời vang biển, nhiều người khác thì lo đốt áo làm khói hiệu và cả đám đông kéo nhau đứng trên những tảng đá cao nhất để giơ tay vẫy vẫy cầu cứu.
Tất cả những người trên chuyến tàu đã được cứu thoát như một phép nhiệm màụtrừ hai cha con chú Bích. Cùng đi môt chuyến tàu, cùng trải qua những gian nan nguy khốn vậy mà số phận đã nghiệt ngã với hai cha con chú, không được đến bến bờ mơ ước cùng với họ..
Có người thương tâm nói với thuỷ thủ trên tàu về trường hợp chú Bích, nhưng họ nói nếu không nhớ đích xác ở đâu thì họ không có thì giờ đi tìm được, và có những nơi trên đảo con tàu không thể đến gần vì san hô và đá ngầm.
Các thủy thủ cũng cho biết đây là đảo hoang không có con người và các phương tiện sinh hoạt khác.
Chuyến tàu của Indonesia đã đưa đoàn người vượt biển đến đảo Galang xong họ tiếp tục cuộc hành trình.
Hai người cháu họ của chú Bích đánh điện tín về cho gia đình, sau đó họ khuyên gia đình dấu kín cái chết thương tâm của cha con chú Bích trong nhiều năm, đợi thời gian như liều thuốc nhiệm màu từ từ chữa lành vết thương của gia đình người bất hạnh, mãi những năm sau này họ mới cho cô Bích biết .
Hằng đã liên lạc với hai người cháu họ ấy ở Mỹ và được biết sự thật chuyến đi vượt biên này từ họ ....
Hơn 30 mấy năm qua tờ điện tín mà cô Bích mong đợi không hề đến và không bao giờ đến.
Không ai biết tin gì về cha con chú Bích, nhưng ai cũng có thể suy đoán đoạn kết vở bị kịch là chú Bích đã chết đói chết khát bên cạnh xác con trai mình trong tình trạng tâm thần điên loạn.
Cha con chú Bích đã thoát khỏi Việt Nam, chú Bích đã thoát khỏi cảnh công an quản chế giam lỏng.
Nhưng họ chỉ đi được nửa cuộc hành trình, đã bỏ xác nơi đảo hoang.
Hai cha con chú Bích vẫn bên nhau như ngày nào nơi mái nhà xưa, nơi hàng xóm cũ.
Xung quanh hai cha con chú là biển khơi bao la. Sóng và biển sẽ ru hai linh hồn bơ vơ kia giấc ngủ ngàn đời, ngàn đời ...!!.
( Tháng Tư, 2014)
Hiến Chương Tình Yêu
Phần Thứ Nhì
Chương 12
9.- Từ Quảng Trị đến Cầu Hiền Lương Bến Hải
VIỆT NAM Quê Hương Cẩm Tú
Từ Mỹ Chánh xuôi đò về vùng Quảng Trị, thỉnh thoảng Mười ưa ngồi bên mạn thuyền tinh nghịch thò tay xuống nước sông vớt cánh lục bình, tai nàng vẳng nghe cô lái đò trên sông lả lướt những câu hò ý nhị; ôi! tiếng hò mái nhì tỏ lộ tình dân tộc đậm đà cao đẹp đang trôi theo cùng mây nước lênh đênh:
Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò vang vọng nặng tình nước non
Có khi Mười nghe:
Ai về Đông Hà, ai qua Cam Lộ
Ai về Gia Độ, ai đến Gio Linh
Ai về Triệu Phong Quảng Trị quê mình
Cho em nhắn gởi chút tình nhớ thương. (cd)
Phải! Ai đã từng sinh sống ở Quảng Trị, lẽ nào không có chút tình vương vấn nhớ thương cảnh cũ người xưa cho đành, bởi điạ hình Quảng Trị do cấu trúc địa chất đa dạng: vùng đồng bằng đất mặn, cồn cát trắng ven trầm tích biển vỏ phong hoá trên bazan với phù sa ven các sông, kéo dài từ Hải Lăng đến Gio Linh theo quốc lộ 1A.
Nhiệt độ trung bình của Tỉnh Quảng Trị 24,6/oC. Vùng núi thấp, gò đồi từ Quảng Trị ra Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm Cùa, Gio Linh, có nhiều cồn cát, hồ, đầm, sông ngòi chằn chịt, biển? Khí hậu Tỉnh Quảng Trị nhiệt đới ẩm, khô và nóng rất khắc nghiệt; khó chịu, khi khô thì trời nóng hừng hực, nắng và nóng có thể nung cháy người vì ngọn gió Tây Nam, gió Lào luôn quất vô mặt, kèm theo những cơn lốc xoáy, tàn phá thiên nhiên kinh hồn! Mùa lạnh thì run rẩy, lạnh tê nhức từ mười ngón chân ngón tay thấu xương tủy. Từ tháng Bảy đến tháng 12 ở Quảng Trị thường bị bão, kèm theo những cơn gió xoáy giật từng cơn mưa dầm, lụt, gió xoáy. Ruộng lúa nương khoai có phần chưa tốt tươi, trái lại xơ xát hoang vu... cằn cỗi.
Tỉnh Quảng Trị chia thành hai thị xã: Thị-xã Quảng Trị & Thị-xã Đông Hà > : trong đó có bảy huyện: Hải Lăng. Triệu Phong. Cam Lộ. Gio Linh. Vĩnh Linh. Hướng Hoá. Đa Krông. {119 (một một chín) xã, chín phường, tám thị-trấn)} ; Thị-trấn > : Hải Lăng. Ái Tử. Cam Lộ. Gio Linh. Hồ Xá. Khe Sanh. Lao Bảo.
Quảng Trị đa dạng: Núi Voi Mẹp. Đồi. Đảo Cồn Cỏ là đất nâu vàng, đất nâu đỏ có bãi đá và hai đồi. Bãi cát bằng phẳng. Cửa Việt, Cửa Tùng có bãi cát phẳng mịn. Tuy là miền đất khô cằn, sỏi đá, nơi ?chó ăn đá gà ăn muối? (chao ôi! chi mà khổ) nhưng Quảng Trị có tài nguyên khoáng sản (cũng tuyệt vời như ai chứ!). Điển hình là: Đất mặn (Vĩnh Linh). Đất phù sa bồi (Mỹ Chánh. Thạch Hãn. Bến Hải...) Phù sa Glay: Gio Linh?). Đất nâu tím trên phiến thạch tím. Đất nâu đỏ, nâu vàng trên bazan, trên phiến đá thạch sét ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Hoặc đất đỏ vàng trên đá granit ở Voi Mẹp. Có nơi nhiều than bùn như Hải Lăng, Gio Linh. Kim loại đen quặng sắt ở Cam Mỹ, Cam Lộ, Đông Hà.
Vào năm 1824 chu vi cổ thành Quảng Trị độ 2km đắp bằng đất, sau đó được xây bằng gạch, bốn cửa Đông Tây Nam Bắc chắc chắn. Bốn bờ thành cao kiên cố bao bọc bởi lũy hào sâu hoắm hơn ba mét, ngăn cách trong tường thành và ngoài thành, có dựng tầm dông vót nhọn làm hầm chông. Từ Huế ra hướng Bắc (bờ Bắc) có hai nhánh sông lớn bao quát diện tích lưu vực 900km2 dài khoảng 65km, do bắt nguồn dọc theo những ngọn núi đồi nhấp nhô từ miền Tây Thừa Thiên & Quảng Trị: tạo thành sông Ô Lâu (cũng gọi là là Ô Giang) và sông Mỹ Chánh.
Sông Thạch Hãn uốn lượn giữa hai bờ tre xanh ôm quê hương soi bóng mát, được bắt nguồn do 37 phụ lưu ngòi lạch, từ: dãy núi phiá Tây (Thừa Thiên & Quảng Trị) và từ trên thượng nguồn Trầm nước chảy quanh co, nối dài qua các làng xã: Thượng Phước, Như Lệ, An Đôn? Phong cảnh nên thơ, nước lấp lánh ánh dương uyển chuyển uốn khúc lặng lờ, tạo thành hai sông chính là sông Quảng Trị và Cam Lộ. Thạch Hãn là sông lớn nhất cuả Tỉnh Quảng Trị. Diện tích lưu vực chiếm gần một nửa lãnh thổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đổ ra biển qua cửa Việt. Muà Hè dọc ven hai bờ sông Thạch Hãn có hàng cây phượng vỹ đỏ rực nghiêng mình là tà soi bóng nước, trông tuyệt vời biết bao! Trên sông Thạch Hãn nào đò ngang, đò dọc khua mái chèo. Muôn câu hò tiếng hát tình tứ thân thương đượm màu dân tộc, nghe mà lòng chan chứa niềm vui dạt dào ở ngày mai:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề
Trời ra: gắng. Trời lặn: về
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ trên quan viên
Công danh giữ mực cầm quyền cho thay (cd)
Cửa Việt rộng sâu nên tàu lớn ra vô dễ dàng. Cửa Tùng phong cảnh khá đẹp, bãi cát mịn bằng phẳng, nước biển ở Cửa Tùng trong xanh, là một bức tranh sinh động thêu lên bầu trời bao la bát ngát rừng phi lao, hàng cây chen cánh hàng dừa, những mái nhà ngói bên nhà tranh chấm phá mờ mờ ẩn hiện xa xa, có đàn hải âu mơn man líu lo bay lượn vờn đùa trên sóng, có nhạc biển ì ầm rì rào trong chiều lộng gió. Hai cửa biển nầy đã sản xuất ra thuỷ sản tự nhiên rất phong phú; Các loại cá: hố, trích, ngừ, lầm, chuồn chuồn, bạc má, trát, mòi, hồng, nhám, phèn, mối, liệt, cá đìa, bạc rần. Tôm biển, tôm hùm, mực ống.
Núi đồi và phố phường *ĐÔNG HÀ xa Huế 66km, cách Quảng Trị 12km, ở ngã ba cuả quốc lộ 1A và quốc lộ 9. Đông Hà có 9 quận: Cam Chính. Cam Giang. Cam Thủy. Cam Nghiã. Cam Hiếu. Cam Thanh. Cam Tuyền. Triệu Lương. Triệu Lễ. Đông Hà có đường xuyên Á Đông Tây; (cửa khẩu Lao Bảo) Đông Bắc Thái Lan. Lào. Myanma. Việt Nam về hướng Tây 83km trên toạ độ 160/o ?53? vĩ độ bắc trùng điệp bao quanh, dù đất đai rất cằn khô, thiên tai luôn đe dọa, mùa màng thấp kém. Dù vậy Mười yêu con đường đất đỏ *Cam Lộ ngoằn ngoèo uốn lượn giữa hai bờ lúa lao xao, trăng sao gọi gió lào khắc nghiệt lùa về nóng khô hừng hực, nhưng gió nồm phía Nam lại nồng ẩm đất đai. Nơi đây cũng có những thiếu nữ nhanh tay khéo léo chằm những chiếc nón lá bài thơ, miệng khe khẽ ngân nga những câu hát ví theo thơ lục bát chính thể hoặc biến thể:
Muối mặn ba năm muối còn mặn
Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng ngãi đầy dù xa nhau ba vạn sáu nghìn ngày chẳng quên (cd)
Hoăc là:
Ai biết nước sông Lam (sông Cả) răng là trong răng là đục
Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là ngãi là tình? ai ơi
*KHE SANH nằm gần kề bên quốc lộ 9 thuộc huyện Hương Hóa ở phía đông làng Vây, là một thung lũng chung quanh núi rừng bao bọc. Khe Sanh tứ phương trùng trùng điệp điệp núi rừng và những dãy đồi cao trên bình độ 300m 400m, nơi phun trào bazan và đá trầm tích. Có làng Làng Vây ở phía nam Tà Cơn.
Cầu treo và sông ĐA KRÔNG nằm về phía Tây Quảng Trị. Cầu Đa Krông lơ lửng chơ vơ trên cao ngút ngàn núi rừng trùng điệp, giữa trời cao mây trắng, sông nước trầm lắng thâm u, nhưng không kém thơ mộng. Có con đường số 9 xuyên Á đất đỏ ngoằn ngoèo len lỏi trong rừng cây chằn chịt qua cửa biên giới Đen Sa Vẳn (Lào).
*LAO BẢO nằm cạnh sông Sepon về hướng Đông của đỉnh núi Voi Mẹp, cách xa Thị-xã Đông Hà độ 80km. Chợ Lao Bảo cách biên giới Lào khoảng 2km, nơi tập trung buôn bán tấp nập sầm uất rộn ràng hàng hoá cuả ba nước: Lào Việt Thái. Gió muà Tây Nam khô và nóng. Lao Bảo cách cửa khẩu Lào - Việt chừng 2km là nơi thấp nhất của dãy trường sơn.
*RÚ LỊNH đa số núi rừng già cỗi, đất nâu tím, nâu đỏ, nâu vàng, cả đất đỏ vàng trên phiến đá thạch sét, nhiều gò, đồi, núi trọc, có đá granodiorit hồng, lục đen, trắng lẫn trong đá bazang. Dòng sông nối hai bờ Vĩnh Linh và Gio Linh mà thuở nhỏ đã đem lại cho Mười sự mơ mộng? đẹp tuyệt vời của bình minh hay hoàng hôn lãng đãng đang nhúng lên nhúng xuống ở đường chân trời! Đồng thời dòng sông vẫn dạy cho Mười biết thế nào là sự giận dữ gào thét trong cơn thịnh nộ của sóng thần? và cuộc đời phù phiếm đã bạo tàn quét lên những chia biệt, vò xé, đổ nát, đau thương xiết đổi đau-đớn trong đời người.
* SÔNG BẾN HẢI bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, Tỉnh Quảng Trị, thuộc dãy Trường Sơn, sông cao hơn mặt biển 500m. Diện tích lưu vực độ 809km2, dòng chảy mạnh. Sông Bến Hải có 14 phụ lưu ở phiá Tây Bắc cuả Tỉnh Quảng Trị, thượng nguồn bắt đầu từ dãy núi phía Tây Bắc (cuả Quảng Trị). Tuy nhiên do có sông La Lung (Bàn Xen) hợp thành sông Bến Hải. Sông Bến Hải chạy dọc theo vĩ tuyến 17 dài 64,5km đổ ra biển Cửa Tùng.
1, Sông Bến Hải chảy từ Tây Nam sang Đông Bắc (còn có tên là Rào Thanh).
2, Sông Bến Hải (còn có tên là sông Bến Hói).
3, Sông Bến Hải (dân bản xứ còn gọi là sông Hiền Lương, vì dòng sông đã chảy qua làng và qua cầu mang tên Hiền Lương).
*Cầu HIỀN LƯƠNG thuộc địa phận Tỉnh Quảng Trị có từ năm 1922, do dân địa phương cần mẫn tạo thành cây cầu bằng gỗ nhỏ hẹp, thô sơ. Năm 1950-1952 người Pháp đã đúc cầu bằng bê tông, xe cộ có thể qua lại trên cầu, hoặc dân cư đi bộ (thay lúc xưa ngồi đò thuyền đi đó đây). Cầu Hiền Lương có bảy nhịp, hai bên thành cầu cao 1,2m, chiều dài cầu 178m, bề rộng 4m. Bề mặt cầu lót tất cả 894 tấm ván gỗ tốt. Năm 1954 cây cầu gỗ có tên Hiền Lương; cái tên nghe thật hiền lành lương thiện, ấy thế mà oái oăm thay cầu ?bị đưa lên đoạn đầu đài? bởi Hiệp Định Genève 1954 diễn ra kể từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 - rồi bản Hiệp Định được ký kết và kết thúc ngày 21 tháng 7 năm 1954. Thành phần tham dự hiệp ước: Anh. Mỹ. Liên Xô. Pháp. Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Laos. Cambodia. Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà; bản văn ghi -tạm thời chia đôi vĩ tuyến 17- tách ra hai miền Nam ? miền Bắc Việt Nam. Mỗi chính phủ -của hai miền Bắc Việt Nam & miền Nam Việt Nam- được chủ quyền tự do trong khuôn khổ của 89m của cây cầu oan nghiệt mà thôi ? Chính giữa cây cầu định mệnh trong lịch sử đã bị ngăn chia bởi hai đường vạch song song, hai phe có toàn quyền sử dụng tự do lộp cộp đi lại ở trên 447 miếng ván gỗ sờn úa (của chiếc cầu) luôn luôn lồng lộng gió. Ác nghiệt!
Lính biên phòng của hai Thủ Đô trong một đất nước mang tên hình chữ S trên chiếc cầu Hiền Lương là một tai hoạ truyền kiếp dị hợm vô tiền khoáng hậu vậy, hằng ngày họ bồng súng đi đi lại lại, để canh gác cầu. Hai bên bờ Bắc và bờ Nam Việt Nam đều gắn nhiều giàn loa phóng thanh rất cao và mạnh chiã sang đối phương, ngày như đêm cả hai phía đều ra rả đọc tin tức, tuyên truyền, chiêu hồi. Lâu ngày lâu tháng quen mặt, thỉnh thoảng họ cũng dừng lại nơi mốc giới ranh phân định, rù rì rủ rỉ hỏi thăm bên nớ bên nầy vài câu xã giao vớ vẩn. Bên kia và bên nầy bờ e dè chia từng mẫu thuốc lá vặt, hút đỡ lòng lúc giá rét căm căm qua đêm mưa phùn gió bấc lạnh lẽo.
Ngặt nỗi? khi chộn rộn, loa phóng thanh ra rả tung tin đụng chạm đến chính kiến, nghe ngứa lỗ tai, họ liền nổi giận và ?đấu võ mồm? ác liệt, chửi nhoi trời đất. Làm buồn lòng chiếc cầu Hiền Lương (hiền lành lương thiện) của sông Bến Hải không ít. Chiếc cầu buồn bã vẫn áo não kêu cót két, trăn trở, khô khan kêu răng rắc, rên rỉ? như lời tự trách thở than não nùng, ai oán khóc hận cơn sóng loạn cuồng lưu, gió réo rắt tru hú những tháng năm phù trầm! Nhìn hai bờ thôn xóm, gợi nhớ trong ai hình ảnh lữ khách tha phương thẩn thờ đứng bên bờ? thổn thức dòng lệ tuông rơi. Nữ thi sĩ Nguyễn Thị Hoàng có bài thơ rặt giọng Huế ?Chi Lạ Rứa? nghe thiệt tuyệt vời:
Chi lạ rứa? Người cứ làm tui ngại
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể
Tui không muốn khóc chi những giọt lệ
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
? Tui không điên, cũng không hề bối rối
Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường
Không màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí
Tui cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa đó, biết mần răng?
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?
Tui không buồn, răng mắt mờ lệ ứa!
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc...
***
Thật ra, Mười yêu rừng sim hoa tím bạt ngàn, chen cánh rừng lim xanh, gụ, huỳnh, trường, trám lương, đào, sến, mây, song, đót, tràm. Mười yêu nhất quê nghèo rất nghèo từ nơi *Quảng Trị với *Trầm, *Rừng Cấm thượng nguồn, lên ngã *Ba Lòng, qua vùng biên giới. Gần giới tuyến có số ít sắc dân Paca, Tà ôi, Bru Vân Kiêu, Kơ Tu, Triêng, Dao, Xudăng, sống rải rác dọc trường sơn đông, trường sơn tây. Mười càng yêu hoa sen nở tươi đồng nội xen lẫn hoa súng, hoa lục bình, cỏ lát, cây năng, hoa rau muống màu tím nhạt, bon chen trong cảnh ao tù nước đọng bùn lầy bên mé đình thôn Thượng Phước.
Thượng Phước! Ấy là nơi gia đình ba má Mười đã từ giã Đà Lạt và đến đây lập nghiệp sống về nghề ương cây giống, như: Trà, cà phê, cam, quít, dâu, mãn cầu, bưởi đào, bưởi đường, cau, dừa, v.v... Ba của nàng không quản ngại khổ sở, vất vả, nhọc nhằn, ba biết nơi đâu có giống cây qúy, tốt, thì ba lặn lội đến, tuyển về nhà ương trồng. Rồi láng trại đem cung cấp hầu hết vùng phụ cận. Ba nàng bán cây với giá lời nhẹ nhàng, lời chút đỉnh, gọi là vui cảnh điền viên tuổi già. Có khi ba hào phóng cho không, tặng không, biếu không. Ba chẳng nhận tiền vốn, chứ nói gì đến tiền lời, tí chút tiền còm, gọi là... Mặc vợ và bầy con cằn nhằn: Sao ba quá ?huênh hoang?. Ấy là thời vàng son hưng thịnh ở quê hương của nàng (do ông Nguyễn Văn Đông làm Tỉnh-trưởng).
*Thượng Phước (xã *An Đôn, Quận *Triệu Phong, thuộc *Tỉnh Quảng Trị); vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch có lễ hội long trọng, để ghi nhớ quan công Hoàng Dũng, là người có công lập ra làng nầy. Dân cư cả làng Thượng Phước kéo nhau lên khu rừng rậm bạt ngàn để săn thú, khi bắt hoặc giết được con nai, con heo rừng, vân vân? họ đem về dâng cúng các chùa, sau đó họ vui vẻ bên nhau với điệu hát ?oát?, hát ru em bé ?Adang Kon?, hát ?Prdoak? vui vui.
Hoặc:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra (cd)
Ồ! Tỉnh Quảng Trị có chùa Sắc Tứ (còn có tên chùa Tịnh Nhiệp, sau đó gọi là Tịnh Quang) ở xã Ái Tử (quận Triệu Phong) có pho tượng Phật A Di Đà. Chùa có từ đời vua Lê Ý Tông, do hoà thượng Tu Pháp xây dựng năm 1739 rải rác ở Sa Lung (Vĩnh Linh) cũng có angtimoan tại Cam Lộ nằm trong đá vôi, thạch anh chứa ít vàng nữa! Mười yêu ngôi chùa cổ kính cong cong rêu phủ đầy nóc, qua u ẩn bao tháng năm phơi mình giữa nắng gió khuya chiều đìu hiu.
Mười yêu mái trường làng AN ĐÔN năm căn bé nhỏ, tường vách làm bằng rơm với bùn tro, phân trâu phân bò khô đã nhào trộn công phu, rồi tô trét kỹ lưỡng. Nhìn xa ngôi trường giống như tường gạch xây, quét vôi vàng sạch sẽ. Nền đất nện công phu. Trường nép mình bên tàng phượng vĩ, hoa đỏ rực đan đầy cành. Đại đa số dân vùng xã thôn nầy làm ruộng, trình độ học vấn thấp kém, hơn 50% nam nữ, phụ, lão, ấu, chưa thông thạo đọc, viết. Ngoài trường Phước Môn, Bồ Đề ra, Quảng Trị còn có trường Trung-học Công Lâp Nguyễn Hoàng là to lớn, rộng rãi khang trang nhất.
Dân cư dọc miền Trung đa số rất hiền hoà, chất phác mộc mạc, tâm họ hiền lành chân chất, thật thà, đôn hậu, ít độc điạ và không chì chiết. Họ sống yên vui, đa số an phận, bình yên ẩn nhẫn bên lũy tre xanh bao bọc. Giọng nói của họ tại Quảng Trị, Đông Hà, thổ ngữ âm khá nặng, nhưng vẫn ríu ra ríu rít? dìu dặt và trìu mến mặn mà hương đồng vị nội. Khi tiếng ve sầu rền rĩ mỗi độ hè sang ở các miền nầy nghe sao mà buồn não nùng khúc ca biệt ly trên sân trường Nguyễn Hoàng. Như thầy Phạm Lộc dạy Văn lớp Mười đã làm bài thơ dài thâm thúy, ý nhị, (thầy viết thơ riêng tặng học sinh lớp thầy). Đứng đầu hàng mỗi câu thơ là tên của một học sinh trong lớp. Trong đó, Mười thích nhất mấy câu thơ sau:
Từ độ xa nhau ai nỡ khóc.
Thế nhân một chuyến lỡ sông đò.
Hoa nở! Hoa ơi đã mấy lần.
Hương lòng úa lạnh giữa ngày xuân.
Hường phai sắc thắm trong ngàn lá.
Sen tả tơi hoa, nhụy úa dần.
./.
(*) Từ năm 1960 -> đến năm 1975 - bối cảnh ở thời điểm nầy, hầu như ít thay đổi.
(**) Những tấm hình qúy giá trong bài viết, không phải của tác giả thh. Rất trang trọng và chân thành cảm ơn qúy vị nhiếp ảnh gia đã post hình trên Wikipedia, (tôi xin mạn phép chuyển tải vào bài viết, ngỏ hầu có thêm phần phong phú hóa hình ảnh quê hương Việt Nam cẩm tú của chúng ta). Đa tạ!
*
Mỗi ngày thường, khi mở mắt thức dậy, bạn có thể mau mắn hay chán nản tùy theo tiếp theo đó bạn phải làm gì. Nhiều khi mở mắt ra, tôi nhắm mắt lại liền và ước gì tôi được nhắm mắt luôn cho một giấc ngủ dài tiếp theo, không lo lắng, không muộn phiền. Thú thật, có người không muốn vậy nhưng trời bắt phải nhắm là nhắm. Tôi có muốn cũng chưa được. Tôi đành mở mắt nghĩ coi phải làm gì trước tiên. Ngày nào như ngày nấy, nghe chừng đã quen thuộc nhưng mỗi sáng tôi vẫn làm đều đặn như là việc phải làm và cần làm.
Tôi đến Mỹ 1990. Tôi đứng trước cửa văn phòng xin việc làm từ 6 giờ sáng mỗi ngày từ tháng 7/92 cho tới tháng 9/92 để thi bao nhiêu là test nhằm được bỏ tên trên danh sách chờ phỏng vấn khi người ta cần người. Thường là những người có số điểm trên 90% mới có cơ hội, còn không cứ ngồi đuổi ruồi hay chờ thời. Tôi không ham cờ bạc, không mua xổ số bao giờ, và chưa biết trúng số cảm giác nó ra sao, nhưng ngày tôi nhận được giấy báo nhận việc tại sở xã hội Beaverton, Oregon 6/21/1993 là ngày trúng số của tôi. Cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn từ đó. Trong thâm tâm, tôi biết ít nhất đó cũng là điều tôi phải làm được cho bao nhiêu công lao, sức lực và tiền bạc cha mẹ tôi đã đổ vào đầu tư cho tôi học tiếng Anh và sinh ra tôi không ngu ngốc. Là con áp út trong nhà, ít nhiều gì tôi cũng được chiều chuộng nên ra đời hơi ấu trĩ. Tôi đã nhờ cái job của tôi mà lớn lên, mà trưởng thành rất nhiều. Cuộc đời tôi sống vì job, đau khổ vì job, khóc vì job, cười vì job, viết được nhờ job vậy.
Thời gian đầu nhận việc, tôi vẫn còn mang cảm giác nặng nề của một người bị bắt buộc làm việc vì nhu cầu đời sống nhiều hơn là muốn làm việc hoặc là muốn học hỏi cho ra một nghề nghiệp. Tôi chỉ hiểu công việc này là phương tiện sống cúa tôi, giúp tôi ở lại thành phố lớn Portland này trụ vững cho tới ngày ra trường dù con đường tôi có thể tốt nghiệp cử nhân hay không cũng còn mù mịt lắm. Lúc đó tôi mới 26 tuổi, thất bại nhiều trong đời sống trước khi đi định cư vì chế độ thang điểm chênh lệch ở Việt Nam tôi không được vào đại học. Tôi lúc nào cũng mang sẳn trong người cảm giác chấp nhận sẳn tin xấu hơn là tin tốt như là người ta có thể đưa tôi cùi lương vào một ngày đẹp trời nào đó và bảo mai tôi đừng trở lại làm. Trời ơi trời, tôi thấy tôi ngu thật là ngu. Khó khăn lắm tôi mới được nhận, người ta mà có hăm dọa đuổi thì phải khóc kể khổ cho người ta rút quyết định đó lại chứ chưa có gì mà tôi đã có tinh thần chấp nhận bỏ cuộc. Thường người ta nói người bỏ nghề chứ nghề không bỏ người. Tôi chỉ là một cư dân tị nạn đang cố ngoi đầu lên và vượt qua khỏi số phận trước đâycủa mình. Có được hay không, thật tình lúc đó tôi không định được.
Tờ lương đầu tiên sau khi trừ thuế của tôi những 700. Số tiền này hơn gấp 3 những hai tuần lương tôi nhận từ công việc bán thời gian tại thư viện thành phố Salem. Tôi bắt đầu nhìn ra đâu là lẽ sống và tận tụy với công việc hơn. Phải nói là tôi rất tận tụy vì tôi bắt đầu nhận ra mình mang những nỗi ưu tư và khắc khoải từ công việc về nhà một cách không tự nguyện. Những nỗi buồn, nỗi khó khăn từ những gia đình tôi gặp từ công việc mang tới tôi những khắc khoải về đêm. Những lời nói hạ cấp tôi được nghe từ những khách bị từ chối, những lời cám ơn chân thành của giới trẻ khi tôi thông cảm được với họ dù tiếng tăm và hiểu biết về đất nước của họ ở tôi còn non nớt. Tôi thấy tôi như bị đặt vào một bãi chiến trường đã bắt tôi phải thay đổi bộ mặt và cảm giác của tôi mỗi phút, mỗi giây trước mỗi tầm nhìn. Khi mới nhận ra điều này, tôi rất háo hức để cảm nhận. Nhưng sau đó, tôi lại thấy mệt mỏi, mệt mỏi vô cùng. Sự mệt mỏi này thấm dần, thấm dần vào xương tủy tôi. Cho tới một lúc, tôi bắt đầu nhận ra lúc nào mình cũng mệt mỏi và bị nhức đầu kinh niên. Tôi đến văn phòng bác sĩ, ông biết tôi làm full time và học bán thời gian thì khuyên hộ, " quit your job," tôi vô cùng sợ hãi " are you kiđing me? ". Tiền kiếm được từ công việc nuôi sống tôi và trang trải tiền học phí. Rút dây động rừng và xem như chấm dứt sự bắt đầu của những ước mơ tôi đang nuôi dưỡng. "Ông điên à?". Tôi chấm dứt với ông bác sĩ và cầm toa thuốc của ông đi ra khỏi phòng mạch mà lòng rất buồn.
Tôi suy nghĩ tìm cách giải thoát cho chính mình. Lúc đó tôi không liên lạc với gia đình nhiều. Tất cả anh chị em tôi đều phải dốc hết lực học và làm việc để tự lo cho bản thân vì cha mẹ tôi đã già. Tôi tự nhủ hay là kiếm người chia xẻ. Anh nào cũng được miễn là chịu ngồi nghe mình chia xẻ một tuần độ vài lần. Có mà chia xẻ. Anh nào chịu cho nổi. Chưa cần anh nào tốt như ông bác sĩ khuyên thẳng tôi bỏ job, các anh chỉ nghe tôi than cuộc đời tôi đến lần thứ hai là cúp điện thoại khi nghe tiếng tôi từ đầu dây bên kia " Anh hả " . Tôi bắt đầu tự nhận ra nếu tôi không chịu nổi áp lực từ công việc một mình và đi học thì hoặc là bỏ học, hay bỏ việc. Có thế thôi. Tôi đã không bỏ việc vì cần phải sống. Một lần nữa tôi nghiệm ra đồng tiền có sức mạnh mãnh liệt.
Tôi sống không có cuối tuần và không bạn bè khoảng 4 năm. Những năm đó, tôi một mình một bóng, tôi thấy bài học tôi phải học trong cuộc đời là tập làm quen với cô đơn và tập làm bạn với nó. Tôi không than, không túng thiếu, không về hạch tiền cha mẹ, có lẽ đó là thời gian cha mẹ tôi bằng lòng về tôi nhất vì nghĩ tôi gan dạ và bản lĩnh. Trong bốn năm đó, có những năm vào ngày Giáng Sinh tôi ngồi trong nhà trọ không đèn đóm, tủi thân và khóc cho đến sáng. Tôi tự nhủ nhiều lần, không biết mình sống để làm gì, có người thân như không, có tiền không dám xài vì đâu đủ. Chỉ còn có nước ráng học ra trường có bằng cấp cao hơn đi kiếm job khác, mặc đẹp, ra vào văn phòng cắp cặp da sáng đi chiều về cho thỏa. Rồi tôi cũng ra trường. Tôi cũng nộp đơn cho nhiều job khác nhưng nói thật, tiếng Anh tôi nói dở quá, kiến thức tôi về đời dở quá, tôi không có cơ hội nào khác chờ đợi cả. Tôi tự nói với mình ráng hết sức hai năm nữa rồi mới nộp job khác xem sao.
Những năm đầu làm việc, tôi chưa vững về áp dụng luật và tìm luật lắm. Mọi điều, mọi lẽ chuyển tải tới khách hàng tôi học từ những người đồng nghiệp. Tôi phải chạy theo số lượng hồ sơ để giữ được công việc làm nên về phần chất lượng những đồng nghiệp lâu năm cứ nói đúng thì tôi cho là đúng. Ai muốn cãi tôi cứ lên người lãnh đạo tôi mà hỏi. Tôi như một cái máy, có khi còn hơn như vậy. Tôi vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn ăn lương mà lòng không chút áy náy là mình đang làm gì, biết gì và hiểu gì. Cũng khá lâu sau đó tôi mới nhận ra tôi không hề biết tôi là ai, là ai theo cái nghĩa tư tưởng và nguyên tắc sống trên đời.
Tôi bắt đầu nhìn vào tâm của mình. Tôi bắt đầu xem xét lại trong đời, trong cuộc sống của mình mình cần gì, quý gì, muốn giữ gì, muốn thay đổi gì. Tôi bắt đầu viết, nhìn vào đời sống hàng ngày mà viết, vào sự mạnh mẽ vươn lên trong đời từ những khách hàng tôi tiếp xúc hàng ngày mà viết. Họ sinh ra trên đất nước của họ nhưng cũng có những vấp váp những khó khăn tương tự thì tôi, dù có khó khăn bao nhiêu cũng ráng học vươn lên như họ một phần chắc cũng nên tự an ủi mình rồi.
Tôi dần nhận ra từ chỗ tôi đang ngồi, từ công việc tôi đang làm, tôi có thể học từ khách hàng của tôi, tôi có thể nói những lời, những câu làm sáng một ngày của họ, động viên họ, động viên tôi mà tôi đã không làm.
Như khi tôi từ chối đơn xin bảo hiểm của một học sinh 18 tuổi được học bổng đi ngoài tiểu bang Oregon học đại học. Cậu chỉ cần một chữ yes từ lá đơn cậu nộp là cậu đang có bảo hiểm để được nhận học bổng toàn phần chơi bóng rổ cho trường đại học đó. Cậu kể tôi nghe cậu sống trong gia đình người bạn thân. Một ngày trước cổng trường, cậu đợi mãi không thấy cha mẹ tới đón và từ đó sống với gia đình người bạn và lấy đó làm gia đình của mình. Dù không được chấp thuận đơn cậu vẫn cám ơn tôi đã trả lời cho cậu và lời chúc tốt đẹp trong lá thư tôi đã dành cho cậu. Cậu học sinh đó làm tôi thấy mình nhỏ bé. Bao nhiều điều tôi đi trước cậu mà vẫn còn một điều tôi cần học từ cậu đó là lòng can đảm và lòng dũng mãnh đối phó với sự thật và tiếp tục con đường mình đã chọn.
Rồi từ câu chuyện với một người khách hàng cố tình miệt thị tôi bảo tôi không biết nói tiếng Anh khi tôi từ chối đơn của bà. Bà đang học đại học bán phần tại Portland State University, ngôi trường trước kia tôi học, học sinh ngoại quốc nói tiếng Anh với giọng riêng đủ cả. Bà không nghe được tại bà dở thôi. Có chém chết tôi tôi cũng không thể nói tiếng Anh với chất giọng không phải ngoại quốc. Nếu bà đủ hiểu biết, bà không cần nói đi nói lại tôi không biết nói tiếng Anh làm gì. Không hiểu là do bà ấy không muốn hiểu tôi thôi, bà ta trả lời lại vanh vách những điều tôi hỏi mà một mực vẫn bảo tôi không biết nói tiếng Anh. Bà làm tôi vừa tức, vừa buồn cười. Sau đó tôi phải tự tập tôi không có đời sống cá nhân trong công việc làm. Tôi chỉ cần chuyển phone họ tới người lãnh đạo để họ xác nhận quyết định của tôi là đúng. Ai muốn miệt thị tôi thì cứ việc nói với boss, tôi chẳng cần nghe, không cần để ý. Họ trả lương tôi để làm việc chứ không để chấp nhận lời miệt thị hay cãi tay đôi về những việc không phải là công việc trong 8 tiếng tôi ở sở làm. Tôi vượt qua rất nhiều, rất nhiều mà vẫn chưa thấy mình đủ lớn.
Sự thật, từ những năm còn học phổ thông, bố tôi rất muốn tôi trở thành nha sĩ. Tôi thật tình cũng muốn trở thành nha sĩ lắm chớ nhưng tôi học Hóa học rất dở. Tôi qua Mỹ học Sinh vật thì cũng viết sai tên bộ phận cơ thể con người nên mộng làm nha sĩ của tôi trôi qua sông hồi nào không hay. Tôi không dám nói cho cha mẹ tôi biết. Còn ông bà thì cứ đinh ninh ngày nào đó con gái mình có thể ra trường và mở phòng mạch làm răng. Cứ coi như tôi đã chịu tội đi.
Tôi đi khám răng ở đây thì càng thấy mình không thành nha sĩ quá đúng. Bà nha tá clean răng tôi hỏi tôi một ngày đánh răng mấy lần. Tôi bảo rảnh thì hai, bận quá thì một. Tôi thành thật và thực tế chứ có ba hoa chích chòe chi đâu. Thế mà bị bà la. Bà đưa tôi hai bàn chải đánh răng lúc ra về, nhấn mạnh một cái để trong xe khi cần hay lúc chờ đợi gì trong xe có thể đem ra chà sạch răng. Trời ơi trời. Tôi trả lời liền với bà, thưa bà, tôi biết bà quan tâm tới tôi nhưng khi đang lái xe, hay ngồi trên xe, tôi có thấy người ta làm mặt thì đã bực mình, ai mà thấy tôi đánh răng chắc là không xong đâu bà ạ. Tiền đóng bảo hiểm là hụi chết. Lái sao cho an toàn, không phân tâm để được giảm ai lại muốn nó tăng hả bà.
Sau đó tôi xin đổi người nha tá. Tôi rất ngại tới làm sạch răng bà không bằng lòng về tôi tôi cũng buồn chớ. Và cũng từ đó tôi không còn tiếc rẻ gì cái nghề nha sĩ quan tâm đến răng cỏ người khác hơn chính răng cỏ của mình nữa.
Nghề tiếp theo mà tôi thích là nghề gõ đầu trẻ. Tôi thấy để được gõ đầu trẻ tại Mỹ thì phải có license này nọ rất phiền. Tôi vô phụ giúp trường các con đang học, thấy học sinh tiểu học rất có nề nếp thì mừng thầm. Bụng bảo dạ có ngày tôi sẽ thực hiện lại ước mơ của mình. Nhưng hỡi ôi, một ngày tôi vô phụ làm thủ công với lớp đứa con gái nhân ngày Mẹ, trời ơi trời, bọn học sinh như ngày hội, bao nhiêu giấy cắt, vứt, xả, đứa đòi giúp cái này, đứa đòi giúp cái kia. Tôi nhìn bà cô giáo mà phục. Cuối ngày đó, tôi nói với bà giáo, thưa bà, tôi phục bà ghê lắm. Bà nhìn tôi mặt mũi bơ phờ cười động viên, bà có thời gian ngày khác lại đến nhé.
Tôi có đến trường để phụ nữa nhưng tôi không vào lớp. Tôi vào thư viện xếp sách lại cho trường học để nhớ lại cái nghề đầu tiên tôi làm tại Mỹ, library attendant.
Mỗi ngày đã hơn 14 năm rồi, tôi vào cùng một văn phòng, làm một job, tiếp cận với khách hàng không khác là bao nhiêu. Tôi được nói tiếng Việt khi làm việc, tôi được viết tiếng Việt trong giao tiếp, trong thư từ. Tôi được lớn lên trong công việc từ những đụng chạm và tiếp xúc căng thẳng hàng ngày nếu có. Tôi bị ganh tỵ cũng có, tôi được thông cảm cũng có. Tôi được khóc, được cười và được đồng nghiệp quý trọng vì biết cảm thông hay kiến thức trong công việc. Một điều tôi thật sự hiểu, I really love my job, bạn ạ.
Công việc của một người công tác xã hội biết học hỏi, biết truyền đạt và chưa bao giờ dừng phát triển về tư cách, đạo đức và kiến thức trong công việc dù đã làm gần 20 năm.
Cám ơn đời sống đã dẫn tôi đi con đường nghề nghiệp thật tuyệt vời.
I love my job.
Vì Lý do kỹ thuật, xin tạm nghỉ 1 kỳ. Chân thành cáo lỗi cùng bạn đdọc.
Phi trường JF Kennedy đây rồi, tên của một vị Tổng thống trẻ tuổi thần tượng của giới thanh thiếu niên thập niên 60 chẳng những Mỹ mà cả thế giới đều mê say tôn vinh một thời. Lần nầy sang Cali, chúng tôi được dừng lai gần ba tiếng đồng hồ ở Nửu Ước. Hi ! Xin chào các bạn ở vùng phía Đông của nước Mỹ nầy cách Bĩ trên 5 giờ bay.
Lần đầu tiên đến đây tôi tưởng chừng như mình gần các bạn lắm, thì giờ rảnh rỗi có thừa, tôi vội lấy quyển ghi đia chỉ riêng của mình ra tìm hết tên của những người thân quen ở vùng nầy hình dung tưởng tượng nếu bây giờ thình lình gặp lại tại đây chưa chắc đã nhận ra nhau. Dù sao tôi vẫn cứ bám lấy hy vọng mỏng manh là trái đất tròn tôi sẽ gặp được người đồng hương, nên đi vòng lượn qua các tiệm ở trong phi trường, nhất là tiệm Á châu, biết đâu có hiệu mang tên Việt nam.
Thình lình mừng rỡ thấy cách trang trí sang trọng, mỹ thuật tiệm bán vật kỷ niệm và cả đồ trang sức với mẫu mã hoa văn kiểu Á Đông, tôi vội nhanh đến ngay. Một bảng hiệu lung linh nhè nhẹ làm nhòe mắt tôi không có âm vang tiếng mẹ và tôi vừa thấy hiện diện sau quầy hàng một cậu thanh niên còn trẻ có dóc váng Á châu. Nụ cười đon đả lúc đầu trở thành gắng gượng, tôi tìm kiếm chỗ ngồi nghỉ chờ.
- Mẹ đừng buồn không gặp một người nào Việt ở đây, Mỹ rộng quá, ngay cả ở Zaventem Bỉ nhỏ hơn mà mẹ cũng ít có dịp thấy người Việt đâu, Nhất con trai tôi đoán ý nghĩ tôi, một thoáng kỷ niệm trôi về quá khứ. Tôi nhìn con chép miệng cảm ơn nhưng bụng cứ lẩm nhẩm vẫn biết rằng trí óc mình khuyên đừng nhớ mà tim mình cứ rình rình là bắt thang bay.
Phi cơ trực thẳng San Francisco lúc 18.45 h. Nhà tôi đã hẹn trước nên chúng tôi về nhà mới ở Foster City không xa phi trường San Francisco lắm như Danville trước kia. Ngoại cảnh hoàn toàn khác nhau, mỗi nơi đều có vẻ đẹp thoáng riêng.
Nhà ở Danville nằm trên ngọn đồi cao mây bay lắm lúc như đùa lùa sờ đầu vuốt tóc, phong cảnh kỳ thú thần tiên thanh tịnh thế mà lại là nơi hội tụ của những biệt thự lâu đài đồ sộ hiện đại của những cự phách mới nổi tiếng nhất là trong lĩnh vực thể thao phim ảnh, với cấu trúc tân kỳ, trang bị tiện nghi vật chất với kỹ mỹ thuật khoa học hàng đầu hiện tại. Thông thường nhà nào cũng có hồ bơi, sân tennis, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, xe hơi đắc tiền đủ loại Porsche, Mercédès, Roll Royce,...Ra đường thường gặp những chiếc xe đặc biệt chở hành khách thượng thặng ?siêu sao ? trang bị từ đầu đến cuối quần áo mũ đúng thời trang dụng cụ đi chơi golf. Cuộc sống ở đây sao mà như ?lạc lối Thiên thai ?.
Bất giác tôi nhớ đến nguồn gốc huyền sử tuyệt đẹp mà cũng chia đôi của dân mình ?Con Rồng Cháu Tiên?, Lạc Long Quân dẫn 50 con về miền biển, 50 con theo Mẹ Âu Cơ lên non.
Nếu trong một lúc bốc đồng nghĩ quẩn tạm tin rằng tất cả mọi người trên quả bóng xanh nầy chúng ta đều là con cái của một Đấng Tối Cao không phân biệt ai là Thiên tử con Trời, hay ?quân tử? con vua, dân nước nầy nước nọ thì biết đâu trên đất Hoa kỳ nầy trước kia cũng từng có dân tộc Việt mình từng
cư ngụ? Tưởng tượng thôi cho đỡ nhớ đất nước mình xa xôi vời vợi cho đến thế kỷ 21 nầy rồi mà vẫn có kẻ ngó người thèm.
Mà cũng có thể lắm chứ, nhớ lại người Việt nam đặt chân trên Mỹ lần đầu tiên và sống như một cao bồi chính cống, một nhà thám hiểm đi tìm vàng Ông Trần Trọng Khiêm (1821-1866) và sau đó trở thành nhà báo Việt đầu tiên Morning Post, Alta California, Daily Evening, đến Hoa kỳ năm1849. Rồi đến ông Bùi Viện (1839-1878) nhà ngoại giao Việt thời vua Tự Đức đã hai lần sang Mỹ gặp Tổng thống Mỹ Ulysses Grant nhiệm kỳ (1868-1876), lần hai năm 1875 để tìm đồng minh giao hữu.
Hơn thế nữa, bằng cớ gần đây nhất là trên hai triệu người Việt ta đã trở về quê tưởng tượng trên từ thế kỷ thứ 20 sau 30-04-1975, nơi đất hứa mới thành hình trên ba thế kỷ nay đã đùm bọc nâng đỡ tạo một giàn phóng tốt cho những ?người con lạc loài? và thế hệ kế tiếp thành những thành phần mới có tài hữu ích.
Ý tưởng lạc quan tin vào tình người vừa bay vút qua lại chạm vào thực tại, anh em trong gia đình cũng thường bất hòa lắm chứ. Lich sử loài người được lập đi lập lại chứng minh ta thấy rõ điều bất đoàn kết rồi và đáng sợ hơn là càng văn minh tiến bộ, đông đúc, con người càng tinh vi nhuần nhuyễn trá hình lột xác quên mất cội nguồn, hậu quả xấu cho cái ưu thế thượng đẳng của thế nhân trên mọi sinh vật khác trên địa cầu xanh nầy. Cái mấu chốt vấn đề là sự mâu thuẫn ở trong ta, giữa thân và tâm, thiện ác, xấu đẹp mà chúng ta khó phân biệt dung hòa cân bằng.
Rồi bấy giờ ngược lại chúng tôi lại đang ở Foster City bao bọc những con đường nước dài rộng, nhà nhà đều có bến riêng cho tàu ghe xuồng dạo quanh ra đến vịnh San Francisco. Cảnh vật ở đây hoàn toàn khác hẳn bất giác làm tôi lại nghĩ đến huyền thoại Sơn tinh Thủy tinh nước mình. Cảnh trí ở đây thật êm đềm thơ mộng khác hẳn vùng đồi cao thay đổi bất chợt. Tấm thảm nước phản chiếu ánh sáng mặt trời lung linh kỳ diệu tùy cơn sức gió lồng qua thành những bức tranh thủy mặc tuyệt vời làm rung động tâm hồn.
Sao lại nhớ quê nhà chằng chịt với những con sông dài đầy thắng cảnh, thác ghềnh vĩ đại thử thách trí dũng con dân chưa có dịp khai thác đúng mực, kịp thời.
Việt nam ta thường tự hào về nền văn hiến trên 4000 năm, tự lập nuôi dân qua cách trồng lúa nước, kiên trì mở mang bờ cõi về phía Nam đến tận Cà mau, và đặc biệt biến miền đất mới với khí hậu nóng bức gió mùa, hoang vu đầy rừng rậm thú dữ trên bờ dưới nước thành vùng màu mỡ trù phú nhất ba Kỳ.
Sự kiện nầy làm chúng ta liên tưởng đến trường hợp Hoa kỳ, một cường quốc chỉ được thành hình trên 300 năm như miền Nam, và cũng được bao di dân đủ màu da từ các nước khác nhau, phần đông phải vượt cả đại dương mênh mông, sát cánh nhau xây đấp mở mang bờ cõi rộng lớn hạng thứ ba thế gìới.
So sánh các sử kiện trên ta có thể tự hào ngầm ví nước Việt Nam ta như là một Hợp Chủng Quốc thu nhỏ lại, mini, bonsai. Mỹ có sông Mississipi dài rộng, Việt Nam ta có Mékong (sông Cữu Long), Mỹ với dãy núi Rocky Mountains, ta có dãy Trường Sơn, khí hậu thay đổi tùy vùng như miền Bắc nước ta vói khí hậu tiếp nhiệt đới. (subtropical) và Trung Nam nhiệt đới...
Di dân đến Mỹ cũng da dạng đủ loại da màu, nước Việt nhất là miền Nam cũng do công sức của bao dân tôc khác như Khmer, Chàm, Trung quốc Minh hương...
Mỹ cũng có chiến tranh Nam Bắc (1861-1865) chỉ có 4 năm, Việt nam ta cũng đã bao lần chia đất nước thành hai, dài nhất là cuộc nội chiến Việt nam kéo dài 30 năm (1945-1975).
Thế là nước ta cũng hội tụ bao điều kiện căn bản để tiến nhanh vượt bực nhưng tiếc rằng vị trí của ta rất thuận lợi cho mọi đường giao thông, một bao lơn rộng lớn cho hàng không, tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số trên 90 triệu cần cù thích ứng nhanh, dễ biến thành một địa bàn tốt đẹp cho thị trường mới nhất cho thế kỷ 21 nầy mà mọi quốc gia lớn nhỏ đều tìm đến.
Hơn thế nữa, vì chiến tranh bao nhiêu nguồn sinh lực phí phạm, chất xám chưa biết trân trọng giữ gìn, tình yêu nước chưa được đánh giá trung thực, còn có bao kẻ hám danh ham tiền đã bán lương tâm linh hồn cho mộng quỹ. Tiếc cho dân tộc Việt ta thông minh cần cù nhẫn nại luôn cầu tiến đầy sáng tạo, bao nuớc ngoài ùn ùn đến xin đầu tư khai thác, nhiều nhà chính trị đã từng đánh giá Việt nam là con rồng lớn ở Đông Nam Á như Tổng Thống Lý Quang Diệu ở Singapore phát biểu, thế mà cho đến ngày nay bao nhiêu nước nhỏ khác như Nhật, Nam hàn, Thái lan và cả Singapore tiến bộ vượt nhanh hơn trở thành tự do dân chủ tự lập tự cường rồi.
Rút tỉa những bài học kinh nghiệm máu xương trong quá khứ xa gần, ta còn nhận chân rằng không có dân tộc khác nào dù là đồng minh ân nhân, anh em viện trợ giúp đỡ vật chất hay đánh giặc thay mình mà không ý đồ nào khác, vô vụ lợi vì ngay cả các cường quốc giàu mạnh vẫn ưu tiên quyền lơi, phúc lợi an sinh của dân nước mình.
Dòng lịch sử trôi nhanh. Để sống còn và tiến kịp theo lịch trình tiến bộ toàn cầu, chúng ta nên luôn thức tỉnh, dậy mà đi, biết đoàn kết dựa vào lòng dân, thay đổi tư duy, nhận chân lỗi lầm quyết tâm cải tiến để phục vụ theo gương tiền nhân đã có công gầy dựng non nước chữ S cho đến ngày nay.
Nguyệt San Giao Muà xin cám ơn những thân hữu đã dóng góp bài vở cho Nguyệt San Giao Muà số 156 . Một số bài khác sẽ được đăng dần vào số tới. Mong mỏi sẽ nhận được những sáng tác của các bạn bốn phương để cho Nguyệt San Giao Muà thêm phần hương sắc trong tương lai.
2) Để rút ra danh sách của NSGM (unsubscribe),
xin gửi email về GiaoMua@hotmail.com
3. Mọi chi tiết, thể lệ, thắc mắc, xin gửi về:
GiaoMua@hotmail.com
4. Mọi bài vở, đóng góp, xin gửi về:
GiaoMua@hotmail.com
Nguyệt San Giao Muà
Homepage: http://www.GiaoMua.com
Thể lệ gửi bài cho Nguyệt San Giao Muà:
Mong bạn gửi Bài cho GM theo cách này là tốt nhất :
1. Dùng mẫu chữ Vietnet (VIQR) hay Unicode
2. Viết Hoa chữ đầu của bài và bút hiệu. Ví dụ: Giọt Mưa Trên Lácủa NS Phạm Duy
3. Gửi bài ngay trong email (không kèm file), để cho BBT khỏi mất công download xuống để đọc
4. Gửi tất cả các bài trong 1 tháng 1 lần trong1 email, nếu tiện.
5. Bài vở xin gửi đến trước ngày 25 mỗi tháng
6. Mọi chi tiết, thể lệ, thắc mắc, xin gửi về: GiaoMua@hotmail.com
Cám ơn bạn rất nhiều, vì nhân sự có hạn, BBT không thể ngồi đánh máy lại từng đề bài hay bút hiệu.
P.O . Box 378
Merrifield, Virginia 22116
USA
Trang Nhà