Số 167
Ngày 1 tháng 3 năm 2016
Nguyệt San Giao Mùa
P.O. Box
378
Merrifield, Virginia
22116
USA
Thư Ngỏ
Tháng Ba bâng khuâng, tháng ba ngập ngừng cơn gió lạnh giao mùa.
Vẫn còn mùa Đông cho ai thấm lạnh và trong cơn gió lạnh mùa Xuân cùng vươn vai thức giấc với lộc non trên cây cành, với hoa cỏ trong vườn nhà hay trên đường phố.
Tháng ba đủ tình ý, đủ sắc màu để đi vào văn chương âm nhạc và hội họa.
Tôi có tháng ba rất đẹp nơi tôi ở, những ngày cuối tháng ba có hoa Bluebonnet nở, hoa màu xanh tím sẽ rực rỡ nhất vào tháng tư, trải thảm mênh mông trên những cánh đồng, trên những sườn đồi thoai thoải dọc theo xa lộ. Người ta có vội đi, chuyến xe có ngắn ngủi lướt qua thảm hoa, nhưng biết đâu màu hoa Bluebonnet đã len vào tâm hồn họ một chút mộng mơ, một chút yêu đời...
Cám ơn tháng Ba
BLUEBONNET.
Hoang dã thế sao Bluebonnet,
Màu tím buồn làm chết lịm hồn ai,
Tôi chạy theo hoa suốt một đường dài,
Hoa trải thảm đón một mùa ong bướm.
Tháng Ba tháng Tư hồn tôi hoa tím,
Sang tháng Năm hoa vẫn đợi anh về,
Đừng muộn màng hoa theo gió bay đi,
Người ở lại tiếc mùa hoa lỗi hẹn.
Chỉ có tôi và Bluebonnet,
Ở phương này vẫn đợi khách phương xa,
Mùa Xuân đến rồi anh đã biết chưa?
Về đây ngắm hoa Bluebonnet nở.
Đường highway sao mà nhiều nắng gió,
Cùng với hoa làm lạc lối tôi về,
Đã mấy mùa hoa, mấy thuở đam mê?
Tôi chợt tiếc đường trần gian qúa ngắn.
Ôi, ngây ngất với màu hoa xanh tím,
Trái tim tôi cùng thở với mùa Xuân,
Bluebonnet anh có thích không?
Hoa đang nở. Mời anh về đúng hẹn.
*Bluebonnet: Hoa biểu tượng cho Texas
*April,24: Texas state wildflower Day.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Ban Biên Tập Giao Muà
Bài vở trên Giao Muà là do các tác giả gửi đăng và Giao Muà không chịu trách nhiệm về nội dung. Muốn xin trích đăng lại, xin liên lạc với GiaoMua@hotmail.com.
I . Thơ _______________________________________________________________________
1. Đêm Xuân | ______ Phan Tưởng Niệm | |||||||||||||||||||||||||
2. Đêm Biên Địa | ______Sông Cửu | |||||||||||||||||||||||||
3. Dáng Em Mùa Hạ Cũ | ______ Triều Phong Đặng Đức Bích | |||||||||||||||||||||||||
4. Mùa Xuân Dễ Thương | ______Nguyễn Đông Giang | |||||||||||||||||||||||||
5. Thương Nhớ Xuân Xưa | ______ Hàn Thiên Lương | |||||||||||||||||||||||||
6. Không Ngủ Được .. | ______ Hồ Chí Bửu | |||||||||||||||||||||||||
7. Đầu Năm Kính Chúc | ______ Nam Thảo | |||||||||||||||||||||||||
8. Phi Trường Mùa Hè | ______ Nguyễn Thị Thanh Dương. | |||||||||||||||||||||||||
9. Buồn Làm Chi |
______Trần Thành Mỹ 10. Lặng Lẽ
|
|
______ Chung Thủy
| 11. Việt Nam Đất Nước Tôi
|
|
______Song An Châu | 12. Những Giọt Mưa Thơ
|
|
______Trần Huy Sao
| 13. Khép Cửa Đam Mê |
|
______Tình Hoài Hương
|
14. Nói Với Hoa Mai
|
|
______Tuyền Linh
|
15. Hai Tay Đong Đầy |
|
______Lê Miên Khương
|
16. Ươm Chi Tình Ảo |
|
______Thylanthảo
|
17. Vang Hồn Sông Núi
|
|
______Nguyệt Vân
|
|
II . Văn _______________________________________________________________________
1. Ngôi Nhà Mới ___________ Nguyễn Thị Thanh Dương | 2. Hiến Chương Tình Yêu (truyện dài nhiều kỳ) ___________ Tình Hoài Hương |
3. Phạm Ngoc Thái Một Bầu Trời Thơ Sâu Thẳm ___________ Cô giáo Hoàng |
4. Căn Nhà Sau Cửa Biển (truyện dài) ___________ Phan Thái Yên |
5. Bùa Yêu ___________ Hai Hùng SG |
III . Trả Lời Bạn Đọc__________________________________________________
1. Nhắn Tin/Trả Lời Bạn Đọc _______ Ban Biên Tập |
I . Thơ __________________________________________________
II . Văn___________________________________________________________
Nguyễn Thị Thanh Dương
Nguyễn Thị Thanh Dương
2. Hiến Chương Tình Yêu (truyện dài nhiều kỳ) Tình Hoài Hương
Tình Hoài Hương
3. Phạm Ngoc Thái Một Bầu Trời Thơ Sâu Thẳm Cô giáo Hoàng
Nguyễn Thị Hoàng
4. Căn Nhà Sau Cửa Biển (truyện dài) Phan Thái Yên
Phan Thái Yên
Hai Hùng SG
Hai Hùng SG
IIỊ Hộp Thư Toà Soạn
___________________________________________________
Thể lệ để nhận Nguyệt San Giao Muà:
1) Để vào danh sách của NSGM (subscribe),
xin gửi email về GiaoMua@hotmail.com
Địa Chỉ Liên Lạc:
Nguyệt San Giao Muà
Copyright
2002 by Giao Muà e-magazine and respective authors
Hai anh Mễ to khoẻ lực lưỡng mang tất cả đồ đạc vào nhà. Họ kê cho bộ bàn ghế, giường tủ, rồi lãnh tiền công và ra về. Còn lại một đống những thùng lớn, thùng nhỏ, hai vợ chồng phải mở ra sắp xếp lại suốt từ buổi trưa đến buổi chiều mới gọi là tạm xong,vì chị biết là sẽ còn nhiều món đồ đạc lạc chỗ, dần dần khi cuộc sống tại căn nhà mới này bắt đầu thì mọi đồ dùng mới đâu vào đó.
Công việc moving vất vả quá, dù anh chị đã vứt bỏ khá nhiều đồ lặt vặt và thuê người làm hầu hết.
Tưởng sẽ được ngả lưng nằm lên giường một lúc cho đỡ mệt, thì đến lượt hai đứa con:
- Mẹ ơi, con đói !
- Mẹ ơi, con muốn uống sữa !
- Để cho mẹ nằm nghỉ một tí được không?
Tabi vùng vằng:
- Không! con muốn ăn ngay bây giờ?
- Con cũng muốn uống sữa ngay bây giờ. Betsy bắt chước chị, nhõng nhẽo và vùng vằng.
Bây giờ chị mới biết là mình cũng đang đóịTủ lạnh không còn gì bên trong để dễ dàng moving. Buổi sáng, cả nhà chỉ ăn qua loa, định dọn nhà xong thì chiều đi nhà hàng ăn cho thảnh thơi, bây giờ vợ chồng chị mệt quá rồi, không còn hào hứng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Anh ý kiến:
- Em nấu mấy tô mì gói ăn đỡ đi.
- Nhưng em không biết hiện giờ thùng mì gói nằm nơi đâu? Để em order pizza cho nhanh.
Chị ngồi dậy, thì cùng lúc chuông cửa reo. Tabi mừng rỡ:
- Họ mang pizza đến hả mẹ?
- Mẹ đã gọi phone đâu mà có pizza !
Con bé Tabi cụt hứng, nhìn mẹ nó đầu bù tóc rối đang lê bước ra mở cửa. Chị ngạc nhiên khi thấy một bà Mỹ ăn mặc lịch sự, tay ôm bó hoa tươi thắm và miệng bà cũng cười tươi như hoa:
- Welcome gia đình chị đã đến đây. Tôi là Rita, hàng xóm của chị ở căn nhà đối diện bên kia đường
- Cám ơn bà !
Chị bối rối đỡ bó hoa, vì lần đầu tiên ra mắt hàng xóm trong tư thế không chuẩn bị, chắc chắn chị bơ phờ, nhếch nhác, tóc chưa kịp chải, áo quần chưa kịp chỉnh tề. Mà tại sao bà hàng xóm nhanh nhẩu đến thế chứ? Người ta mới dọn nhà đến buổi sáng, chiều đã welcome rồi. Ngày dài tháng rộng, chị vẫn còn đây, chứ có biến đi mất đâu mà phải vội vàng?
Bà Rita chưa chịu về cho, còn tiếp tục bày tỏ sự thân thiện khi nhìn thấy Tabi và Betsy đang đứng xớ rớ bên cạnh mẹ nó, bà tự giới thiệu:
- Gia đình tôi có 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con, chắc cùng lứa tuổi hai con chị. Hi vọng các cháu sẽ là bạn thân với nhau.
- Vâng, tôi cũng mong muốn thế. Chị đáp cho xong chuyện.
Bà Rita chào ra về, chị ôm bó hoa, ngẩn ngơ suy nghĩ cái bình cắm hoa đang thất lạc nơi đâu? Đang lúc bụng đói này, giá mà bà ấy mang đến ổ pizza thì hợp lý hơn.
Chị giải quyết mau lẹ, mang bó hoa vào trong bếp, để trong một chậu nước cho tươi rồi mai tính. Hoa tươi, hoa đẹp cũng chẳng làm chị vui khi đang mệt rã rời và bụng thì đói quay đói quắt.
Nhưng chị chưa kịp cầm phone để order pizza thì chuông cửa lại reo. Hay bà Rita lại dẫn cả chồng con sang giới thiệu cho đủ hộ khẩu nhà bà ?
Cánh cửa bất đắc dĩ mở ra, không phải bà Rita, mà là một bà Mỹ lạ hoắc khác, trên tay bà bưng một đĩa to đầy bánh cookie thơm phức, chắc là mới vừa làm xong:
- Chào chị! Tôi là Cindy, rất hân hạnh được là hàng xóm của gia đình chị. Chúng tôi ở căn nhà bên cạnh, phía bên trái.
Chị đỡ lấy món quà của bà hàng xóm thứ hai, và như một cái máy chị nói:
- Cám ơn bà đã cho bánh cookie.
- Ôi! Hai đứa bé gái của chị mới dễ thương làm sao! Chúng như hai thiên thần hiện ra trong mùa lễ Giáng Sinh.
Bà Cindy kiểu cách và ngọt ngào lấy lòng người hàng xóm mới.
- Cám ơn bà đã khen hai cháu. Cái máy trong người chị lại tự động phát ra, chứ chị chẳng còn tâm hồn nào mà nói những lời bay bướm cho tương xứng với bà Cindy.
- Nào, cháu tên là gì? Cháu mấy tuổi rồi? Bà Cindy cúi xuống dịu dàng hỏi Tabi.
- Cháu tên Tabi, cháu 5 tuổi. Con bé lí nhí trả lời với người lạ.
Bà hỏi chuyện từng đứa thì bao giờ mới xong? Chị sốt cả ruột, liền giới thiệu luôn:
- Con em nó là Betsy, 4 tuổi. Kia là chồng tôi, còn tôi tên là Bông. Nhà tôi có bốn người.
- Ôi! Gia đình chị đẹp như một bức tranh, thật sống động trong ngôi nhà này.
Chị nhìn bà hàng xóm với đầy vẻ nghi ngờ. Nhan sắc hai vợ chồng chị thuộc loại bình thường, hai đứa con cũng thế. Hơn nữa cả ngày hôm nay hai vợ chồng chị mệt muốn chết, quần áo, tóc tai chẳng ra hồn, hai đứa con cũng đang nhăn nhó vì đói bụng, vậy mà bà hàng xóm dám khen toàn bộ gia đình chị đẹp!
Chị vừa trả lời vừa mắc cở vì lời khen khách sáo ấy:
- Cám ơn bà!
Bà Cindy còn hỏi thăm thêm vài câu xã giao bóng bẩy nữa mới chịu ra về.
Anh hối hả giục chị:
- Em order pizza ngay đi, biết đâu bà hàng xóm thứ ba, phía bên phải, sắp sửa đến nhà mình? Thì đến đêm mình cũng chưa có gì để ăn.
- Sao hàng xóm ở đây họ tử tế thế? Làm em ngại quá!
- Khu lịch sự có khác, người ta lịch sự như những ngôi nhà xinh đẹp của họ vậy.
Món quà của bà hàng xóm thứ hai hữu ích hơn bà thứ nhất, đĩa bánh cookie vèo một cái đã hết nhẵn, làm cả nhà dịu cơn đói trong khi chờ đợi pizza đến.
Chị lại nằm ra giường, trong khi bên ngoài, anh vẫn loay hoay thu xếp đồ đạc.Thật sung sướng khi mệt mỏi rã rời được ngả lưng trên giường, máy lạnh mát dịu làm chị liu riu buồn ngủ, thì chuông cửa reo làm chị giật nẩy mình, hay là bà hàng xóm thứ ba đến welcome gia đình chị? Có bà hàng xóm đối diện, bà bên trái, thì còn bà bên phải nữa. Rút kinh nghiệm, chị vuốt lại mái tóc, mất vài phút thay áo quần, sửa soạn sẵn nụ cười, ít ra cũng có một bà hàng xóm nhìn thấy hình ảnh chị tươm tất, đàng hoàng.
Thì ra là anh giao pizza, làm uổng công chị, chị giận lây không thèm cười khi anh ta nói cám ơn và chào về.
Chị lấy bánh cho hai con ăn và dỗ dành:
- Nhịn uống sữa con nhé.Mai mẹ đi mua, hôm nay dọn nhà, mẹ mệt lắm rồi.
*** *** ***
Ngôi nhà mới là giấc mơ của chị, to đẹp, nằm trong một khu lịch sự, đắt giá, bên cạnh một hồ nước thiên nhiên rộng và dài tít tắp. Bên này hồ là phía sân sau của những ngôi nhà, bên kia hồ là cánh rừng thưa. Khác hẳn với căn nhà cũ, nơi mà thuở hai vợ chồng chị mới lấy nhau, hai bàn tay trắng bắt đầu gây dựng cơ ngơi, chỉ mong có một căn nhà dù nhỏ, dù cũ kỹ là đủ vui rồi.
Căn nhà cũ nằm đối diện với một khu apartment, hai bên nhà là hai gia đình Mỹ đen. Cái địa thế mà nếu chỉ là người qua đường nhìn vào, chắc ai cũng ?ớn?, cũng hình dung ra bao nhiêu chuyện tai ương, rắc rốịVậy mà anh chị đã ở đó gần 10 năm trời, chị đã quen với những hình ảnh đám Mễ ở apartment bên kia đường, mỗi weekend mở nhạc ầm ĩ, những người đàn ông Mễ đội mũ, đi giày ủng cao, áo bỏ vào quần với dây thắt lưng to bản, trông họ như những anh chàng công tử rảnh việc, ngồi ngoài sân uống bia suông, hay đôi khi vừa uống vừa nướng thịt BBQ, mùi khói thơm bay ngào ngạt trong gió, bay sang cả nhà chị. Tiếng nói cười, tiếng nhạc Mễ tưng bừng làm hàng xóm vui lây.
Bên này chị cũng không thua kém, thỉnh thoảng mang nồi mang chảo ra sân chiên chả gìo, chiên cá, kho mắm?chắc chắn những mùi vị đặc sản của Việt Nam ấy cũng từng bay nhởn nhơ sang sân những nhà hàng xóm không cùng chủng tộc, màu da.
Chị cũng đã quen gia đình Mỹ đen ở bên cạnh, hai vợ chồng đều to con, to giọng, mỗi khi họ đứng ngoài sân nói chuyện, chị ở trong nhà, qua lớp cửa đóng kín vẫn còn nghe, đến nỗi có lần chị tưởng họ đang cãi nhau, mở cửa ra xem mới biết là vợ chồng họ đang trò chuyện vui vẻ.
Biết đâu dưới mắt những người Mễ, người Mỹ đen kia, nhìn gia đình chị, một gia đình di dân đến từ Châu Á xa xôi nghèo nàn ở bên kia bờ Thái Bình Dương sang Mỹ lập nghiệp, đang sống trong ngôi nhà cũ kỹ thật đáng thương. Mỗi cảnh đời đều có những vất vả lo toan, nhưng chắc chắn họ không hề biết rằng chị đang toan tính chuyện ra đi, một ngày nào đó, chị sẽ rời khỏi căn nhà cũ này, khu cư dân xập xệ này, đến một nơi sang đẹp hơn rất nhiều.
Ngôi nhà cũ vừa trả hết nợ, anh chị bán đi, lấy tiền ?down? cho căn nhà mới và?
nợ tiếp.
********
Hôm sau người hàng xóm thứ ba đến, đúng như điều anh chị đã nghĩ, cái người ở ngay bên cạnh nhà chị, phía bên phải, mang đĩa bánh cake làm quà và những lời hỏi thăm nồng nhiệt, y như hai bà trước, làm như gia đình chị là niềm ao ước của cư dân khu này, càng làm chị ngại ngùng áy náy.
Chị vốn nghi ngờ sự lịch sự của người Mỹ từ lâu, với những người xa lạ, lại là người khác chủng tộc, lịch sự, tử tế chỉ là xã giao, là hình thức bên ngoài, ít khi là chân thật tự đáy lòng. Gặp bất cứ người lạ nào ngoài đường phố, họ cũng mỉm cười chào hỏi, nhưng người được chào hỏi chưa kịp quay đi, đã thấy người Mỹ lịch sự tử tế ấy khép ngay nụ cười và mặt lạnh như tiền.
Người hàng xóm thứ ba đưa cho vợ chồng chị một tờ giấy có ghi đủ tên và số điện thoại của mọi gia đình trong khu vực, vừa cộng thêm gia đình chị, để nếu có gì cần thì liên lạc với nhau, đồng thời họ mời chị tối thứ Bảy tuần sau đến họp mặt ở nhà bà Cynthia, để thắt chặt thêm tình hàng xóm láng giềng giữa cánh đàn bà với nhau.
Gia đình chị ngập tràn niềm vui trong ngôi nhà mới. Cảnh hồ phía sau nên thơ như tranh vẽ. Chiều, chị mở cửa sổ bếp cho gió ngoài hồ thốc vào mang theo mùi hoa lá trong vườn, gió thổi bay bay tấm màn vải mỏng che cửa sổ căng lên trông như cánh buồm nhỏ. Chị đứng làm bếp mà có thể nghe tiếng chim kêu ríu rít lúc trời chiều khi chúng bay qua hồ về phía cánh rừng bên kia.
Chị thủ thỉ với anh giá mà em biết làm thơ, thì mỗi ngày cứ ra ngắm hồ nước, ngắm cánh rừng là đủ cảm hứng.
Anh dọn đến ngôi nhà mới này vì chị, anh thích sự bình yên tâm hồn hơn là bề ngoài, thích ở căn nhà cũ, không nợ nần đồng nào, nhưng vợ anh nay cằn nhằn, mai than thở muốn có một căn nhà mới, sang đẹp hơn, thì anh lại tìm niềm vui trong sự thanh thản khác, là nhìn thấy vợ vui và khỏi phải nghe những lời cằn nhằn nữa.
Thế là đã được một tuần ở nhà mới. Buổi tối, chị đến nhà bà Cynthia để họp mặt, bà Cynthia ân cần giới thiệu chị là hàng xóm mới với tất cả mọi người, toàn là quý bà trong khu, là hàng xóm với nhau.
Họ thắp nến, ăn bánh cookie và nói đủ thứ chuyện về gia đình, xã hội, kể cả những chuyện vặt, đùa vui, nghĩa là đủ thứ chuyện quanh ta.
Tiếng Anh của chị chỉ đủ dùng thông thường lấy đâu mà hiểu hết những ý kiến sâu sắc hay hóm hỉnh của quý bà, nên chị ngồi im và lạc lỏng giữa đám phụ nữ sang cả này. Phải chi đó là bà Tư, bà Bảy, hay bác Tám nào đó, toàn là các bà người Việt Nam, thì chẳng đời nào chị chịu thua, chưa biết chừng chị còn làm đầu tàu dẫn dắt câu chuyện và tán dóc cho tới khuya, hào hứng không kém gì họ.
Thỉnh thoảng chị cúi đầu, che dấu cái ngáp vì chán nản đến buồn ngủ. Rồi buổi họp mặt cũng tàn, chị sung sướng như vừa được ?phóng thích ra khỏi trại tù.
Ở nhà, anh cũng sốt ruột không kém, được ngày thứ Bảy mà phải trông hai con, lúc thì chúng chạy đuổi nhau rầm rầm quanh nhà, lúc thì dành nhau đồ chơi và cãi nhau, anh hết dỗ dành đứa này đến năn nỉ đứa kia. Xong chúng đòi ăn, đòi uống, và ? hành hạ? anh không thương tiếc:
- Bố nướng pizza không ngon bằng mẹ. Bố phải nướng lại cho con?
- Mẹ cho con uống sữa bằng cái ly màu hồng mà? Bố phải đổi cái ly này thì con mới uống sữa cơ.
Anh bực mình gắt lên:
- Vậy thì đợi mẹ về mà đòi.
May quá, chị đã về tới, anh chưa kịp than nỗi vất vả của mình thì chị đã than trước:
- Ngồi mỏi cả lưng mà chẳng hiểu họ nói gì, cả đám bật cười ồ vì một câu nói đùa, trong khi em vẫn còn?ngơ ngác và suy đoán mãi ?.mới ra.
- Ai bảo em nhận lời, làm khổ lây cả anh, vì phải ở nhà hầu hai con ranh này.
- Chẳng qua em cả nể vì mấy món quà tặng của họ, họ lịch sự, mình cũng nên tỏ ra biết điều để hoà đồng với hàng xóm.
- Thì ra ở khu nhà giàu không thoải mái bằng khu bình dân, họ kiểu cách quá, cứ đáp lễ qua lại cũng đủ mệt.Thế bao giờ em mới làm chả giò để tặng lại các bà hàng xóm đã welcome nhà mình bằng hoa và bánh ?
- Anh không nhắc thì em cũng không nhớ, để mai em làm vậy.
Chị ngao ngán nghĩ tới cái màn đứng cuốn mấy bịch chả giò, rồi đem ra ngoài sân chiên từ từ cho vàng đều. Ôi chao! Lại mất nửa buổi.
Sáng Chủ Nhật, anh ra sân cắt cỏ, thấy mấy ông bà chạy bộ trên đường, họ mặc áo thun và quần short, chân đi giày, vớ, tất cả một màu trắng tinh, cứ như những vận động viên đang khởi động cho một cuộc đua quan trọng nào đó.
Người nào chạy qua sân nhà anh đều giơ tay chào hỏi, khiến anh cũng phải giơ một tay lên chào, còn tay kia kềm chặt tay vịn cho máy cắt cỏ vẫn nổ ròn rã. Nếu cả khu xóm đều rủ nhau chạy thể dục ngày hôm nay thì chắc chắn anh không thể nào hoàn tất việc cắt cỏ như ý muốn, vì cứ phải liên tục giơ tay chào và mỉm cười đáp lễ với hàng xóm láng giềng.
Mỗi buổi sáng lái xe ra khỏi nhà để đi làm cũng vậy, trước khi ?thoát? ra khỏi khu cư dân lịch sự sang trọng này, anh phải giơ tay chào đến mấy lần với những người hàng xóm tử tế anh gặp trên đường.
Khi anh hoà vào dòng xe cộ tấp nập trên phố, giữa đám đông không phải là hàng xóm, anh thật sự thấy thoải mái, thảnh thơi.
Chiều đi làm về, những người hàng xóm tử tế lại ?ám ảnh? anh, hễ cứ thò mặt ra cửa thì thể nào cũng có ai đó đi qua và dừng chân lại chào hỏi. Anh không dám ra ngoài thường xuyên, anh mất cái quyền tự do được đứng ngắm sân cỏ xanh mà anh đã có công cắt xén. Chỉ có buổi tối may ra anh mới thấy thoải mái đứng ngoài sân, giờ này, ai ở trong nhà nấy, con đường trước nhà anh vắng tanh, im lìm. Anh chợt rùng mình, nếu như anh chẳng may bị trúng gió, ngã lăn ra đường thì cũng chẳng có người hàng xóm tử tế nào hay biết.
Anh so sánh với bên quê nhà, nghèo mà vui, những người Việt Nam chân tình, thắm thiết với hàng xóm láng giềng, với cả người không quen biết. Giữa đường, giữa chợ, ai đó bị trúng gió, bị bệnh bất ngờ, là có ngay các bà xúm vào cạo gió, lo âu, xót xa như với người thân của mình, những chai dầu gió có sẵn từ bao giờ trong túi, trong giỏ xách của các bà.
Hay họ săn sóc, đỡ đần khi hàng xóm có ma chay, cưới hỏỉSự thân mật tự nhiên và thoải mái biết bao.
Còn ở Mỹ, trong khu lịch sự này, họ ra đường chào hỏi tử tế thế, thân mật thế, nhưng không có cảnh nhà nọ thường xuyên chạy sang nhà kia mượn một món đồ.
*** **** ***
Làm xong món chả giò đáp lễ cho các bà hàng xóm, chị thầm cầu xin các bà đừng vì lí do nào mà mang bánh, mang hoa đến tặng chị nữa.
Sang tuần thứ hai trong ngôi nhà mới, vợ chồng chị tổ chức nướng BBQ trong vườn sau, chị thích được hưởng không khí gia đình riêng tư như thế, hai đứa con tha hồ chạy đuổi nhau trong khu vườn xanh cỏ, trong khi anh ngồi uống bia, ăn thịt nướng và ngắm hồ, ngắm rừng câỷMua căn nhà gần hồ, đắt tiền, mà không hưởng cảnh hồ cũng uổng!
Chiều xuống thấp, những đám mây trời màu xám như muốn xà xuống trên đỉnh những rặng cây bên kia hồ, mặt hồ xanh đậm hơn, bóng tối đang ẩn núp đâu đó từ trong khu rừng kia sẽ đổ ụp xuống mặt hồ bất cứ lúc nào.
Khu vườn bỗng xuất hiện những đám muỗi, muỗi từ những bụi cây, bụi cỏ bên bờ hồ đang đi tìm mồi khi bóng chiều buông. Chị đứng nướng thịt mà chốc lại đập muỗi, lại gãi tay, gãi chân, và có khi phải nhảy tưng tưng lên mà vẫn không xua được đám muỗi đói gan lì, anh đang ăn cũng phải đứng lên di động cho muỗi khỏi tấn công, còn hai đứa con thì đều kêu lên:
- Muỗi cắn đau quá! Mẹ ơi, cứu con .
- Mẹ ơi, gãi cho con?
Chị cụt hứng và cũng không thể chịu đựng nổi cơn ngứa tưng bừng, bèn dắt con vào nhà để mặc cho anh dọn dẹp. Muỗi gì mà độc địa thế! mẹ con chị bị đốt nhiều nốt sưng đỏ lên, càng gãi càng sưng và ngứa thêm. Khi mua ngôi nhà này, họ chỉ ca ngợi hồ nước trong xanh, rừng cây thơ mộng, không ai nói cho chị biết hồ nước và bụi cây là hang ổ của muỗi cả.
Anh dọn đồ vào nhà xong, phàn nàn:
- Làm sao mà dám tổ chức BBQ và mời bạn bè đến ? Họ ăn được mấy miếng thịt nướng của mình thì muỗi đốt khắp người. Họ còn oán cho nữa chứ.
- Thuê người ta đến tiêu diệt muỗi được không anh? Chị lo âu hỏi.
- Muỗi ở dọc những lùm cây và khu rừng bên kia, dài cả mile theo chiều dài khu hồ. Em có đủ tiền thuê người không? diệt muỗi rừng cũng như diệt chim trời cá nước. Chỉ có cách là?tuyệt đối không được ra vườn vào buổi chiều.
Chị kêu lên, đau khổ:
- Thế thì còn gì là giá trị ngôi nhà sang trọng này nữa?
- Muốn ở nhà đẹp, khu sang, bạn bè, họ hàng nghe đến đều ?kính nể? thì phải tập mà thích ứng với mọi chuyện xung quanh nó. Đó là những người hàng xóm ?quý tộc? kiểu cách ấy và đám muỗi rừng này. Chính em là người lựa chọn và đòi mua ngôi nhà này mà.
Chị im lặng vì anh nói đúng quá. Chị đã lựa khu sang trọng nhất trong thành phố, chấp nhận trả nợ góp ngôi nhà dài hạn, nhưng không ngờ rằng có những người hàng xóm quá kiểu cách, không hề thích hợp với gia đình chị, sự tử tế thân thiện của họ vẫn làm chị cảm thấy lạc lỏng, bây giờ lại phát giác ra khu vườn lắm muỗi càng làm chị ngao ngán. Không biết bao lâu nữa gia đình chị mới thích hợp được với những cảnh này?
Đêm hôm ấy chị ngủ mơ thấy căn nhà cũ, ở đối diện khu apartment ồn ào, rẻ tiền, hai bên là hai gia đình Mỹ đen. Chị nghe thấy tiếng nhạc Mễ ầm ĩ khi những anh chàng Mễ đang uống bia bên kia đường, và chị nghe thấy cả tiếng hai vợ chồng nhà Mỹ đen bên cạnh đang đứng nói chuyện ngoài sân, âm vang vọng vào trong giấc ngủ của chị.
Những người hàng xóm bình dân ấy chưa bao giờ mang sang nhà chị một bó hoa, một đĩa bánh, nếu gặp nhau ngoài đưòng chỉ mỉm cười hay chào hỏi thông thường.
Vậy mà những hình ảnh và âm thanh ấy bỗng là những kỷ niệm thân thương và gần gũi vô cùng.
**** **** **** ****
*** *** ***
Phần thứ Nhì
Chương 20
Nỗi Đau Quắt Quay Bùng Vỡ
Mùa lạnh chưa bứt hết lá úa đan trên cành cây khẳng khiu trơ trụi buổi thu tàn, nên mùa lạnh nơi đây thật dễ thương. Khí hậu miền Cao Nguyên Lâm Viên Đà Lạt thật dễ chịu, không khí thoáng mát tinh tuyền, trong lành, ấm dịu khôn tả. Con đường mòn ngoằn ngoèo bò quanh các sườn dốc đèo uốn éo như rắn lượn. Từ thung lũng men theo dòng suối, nước chảy qua lùm cỏ, bụi bờ cây sậy, cây lau, cụm sim. Con đường đất nâu mòn dẫn bước chân Nam leo lên sườn dốc thoai thoải. Con đường bắt đầu khuất dần sau đám lau sậy lô xô. Gió tràn về tê buốt thịt da, ngây ngất lạnh và anh cảm thấy đượm buồn.
Hôm nay tới nhà chị Hạc, Nam ngồi gần bên Mười lo học bài, chốc chốc liếc nhìn xem Mười làm việc, chàng tủm tỉm cười rất dễ ghét. Mười xuống bếp giặt áo quần, (Nam đem ba bốn bộ quần áo của anh ra nhà), hai anh em vừa giặt giũ, vừa vui vẻ thủ thỉ trò chuyện. Sinh viên ở trong đại học xá sống chung đụng cùng một dãy, hoặc chung phòng đôi, có phần bất tiện, nhất là vấn đề giặt giũ, nếu ai có nhiều tiền thì mang quần áo bỏ ở tiệm giặt, ai ít tiền thì tự túc. Còn Nam, đa số quần áo anh bỏ tiệm giặt, lâu thật lâu (thỉnh thoảng) Nam mới mang áo quần ra nhà Mười. Trước là vì hôm đó Mười có ở nhà, hai là Nam không đi học, chàng muốn ra nhà Mười, nơi nầy rất yên tĩnh, Nam học bài và thăm nàng một thể. Ban đầu Nam ái ngại đắn đo mãi, nhưng việc đó đối với Mười lại là niềm tự hào, nàng có nhiều thì giờ rãnh rổi, làm việc nhẹ là vui rồi, nàng nghĩ mình nên tập sự làm một hiền thê, đi chợ nấu ăn, là vừa... Có gì mà ngại!
Sau ngày sinh nhật rất vui, Mười đem bàn ghế xuống trả chị Tư. Thế là chị la mắng em một mách nên thân. Chị nói:
- Tao thấy thằng Nam cặp kê với một con nào đó đi lông bông ở ngoài đường, ngoài chợ rất nhiều lần. Không được suồng sã với hắn nữa. Coi chừng, nếu cứ tiếp tục dang díu với hắn; có ngày mang hoạ vào thân. Nghe chưa!
Mười phân vân, thắc mắc, bối rối quá chừng. Chị nói để khi nào Nam đến thăm, chị sẽ nói huỵch toẹt ra cho Nam biết. Lòng Mười lo lắng, phiền muộn, buồn xo. Nhưng với bản tính kín đáo, đằm thắm, Mười dấu kín nỗi đau trong lòng, không hề tỏ lộ cho Nam biết những điều chị Tư đã nói. Một ngày vào cuối tháng Mười Một dương lịch, lúc mười hai giờ trưa, Mười đi ra phố, Mười vào tiệm Việt Hoa lấy cái radio cho chị Tuế. Mười ghé vào tiệm sách mua bút nguyên tử, giấy viết thư, mua quyển sách Aimez Vous Brahm? của Francoise Sagan.
Lúc ôm mấy thứ đồ lỉnh kỉnh trở ra cửa, Mười bỗng thấy Nam tà tà chở Hà, từ lối đường Hàm Nghi chạy đến tiệm bánh ngọt, kế bên khu Hòa Bình. Chàng dựng vespa sát lề đường, họ vào lấy hộp bánh lớn. Nam móc túi trả tiền, và trở ra xe. Hà rất tự nhiên ngồi lên sau yên xe, một tay ôm hộp bánh, một tay lòn qua ôm cứng bụng chàng. Nam nói câu gì, khiến Hà dụi dụi đầu lên lưng chàng, bờ ngực cô ta cạ lui cạ tới vào lưng Nam. Mười trông thấy Hà rất nũng nịu âu yếm. Chàng quay lại một tay nựng nựng, vỗ vỗ vào má Hà. Cô gái cười tươi, cười sặc sụa ngả nghiêng. Hà thọc léc anh ta, mấy ngón tay Hà càng bấu xiết vô bụng Nam.
Có lẽ do những món hàng lỉnh kỉnh che khuất mặt Mười, hoặc hai người kia mãi lả lơi đùa cợt, nên họ không hề trông thấy Mười, mặc dù Mười chỉ đứng cách xa họ vài mét. Xe vespa vụt lướt qua trước mặt Mười, họ xuôi về hướng Minh Mạng. Bất ngờ sửng sốt đến choáng váng, Mười bàng hoàng, kinh ngạc mở to đôi mắt nhìn theo hai người ấy vừa khuất sau khúc quanh. Bờ ngực nhấp nhô, phập phồng từng hơi thở đứt đoạn, Mười cảm thấy lồng ngực nóng rang, như toàn thân đang thả vào chảo dầu sôi. Tay chân Mười bỗng nhiên lạnh giá và run lập cập. Có cái gì nghèn nghẹn co xiết trong lồng ngực quắt quay, như khối đá đè lên, làm Mười hụt hơi, khó thở, nghẹt thở. Mặt mày Mười xanh lướt như tàu lá chuối, (mà chẳng cần hóa trang bằng thuốc nhuộm da).
Trong tim trong óc Mười dấy lên mối giận, ghen, tức, quay quắt, đớn đau? rất kỳ lạ chưa từng có! đau ghê lắm, nhưng Mười không dám thú nhận là mình đang nổi cơn ghen tam bành. Tự trong thâm tâm Mười vừa ghen ghét, vừa ganh tị, xen lẫn thán phục người con gái có lối sống rất Tây, cô ấy coi đời như ?phả, sống ung dung tuỳ tiện cho cảm khoái riêng, mà không e ngại, không xấu hổ càng chả sợ gì sớt. Quyên Hà nghĩ mình là một kiều nữ không đối thủ, coi những cô gái khác dưới cơ, với sắc đẹp đầy quyến rũ (theo ý Mười, mà cũng thật vậy!) nên cô ta lên mặt, tự sáng giá. Hà lẵng lơ tình tứ có nghệ thuật, nhất là mái tóc dài óng ả là-là bay bay (Mười đã thầm tiếc, bực bội khi mái tóc dài chấm thắt lưng của mình, nay cụt ngủn, chả còn là mái tóc huyền dài tha thướt, nên nàng ganh vì mái tóc đen tuyền bóng mướt của Hà!).
Bần thần. Khó chịu. Bực bội. Băn khoăn. Bối rối. Lo âu. Buồn bã. Thật sự Mười cảm thấy quắt quay, đau đớn vô cùng. Không hiểu bằng cách nào Mười lê gót về nhà được trong sự chua xót, vất vả, mà khổ sở vậy! Suốt ba ngày đêm kế đó chàng không đến thăm Mưởi (như thường lệ mỗi buổi). Ôi! Ba ngày đêm tưởng chừng như cả năm tròn, Mười thức trắng đêm, thao thức, thẩn thờ, đau xót sống trong nỗi đau khổ, Mười thèm nhắm mắt tìm về vùng ký ức xa xăm êm đềm và thinh lăng. Nhưng hỡi ôi, vẫn bị cơn sóng ùa tới xô giạt, làm đứt đoạn, gãy lìa, dày vò đằn vặt Mười kinh khủng, (vì chuyện buồn lòng muộn phiền mà Mười luôn trông thấy về họ).
Trong khu vườn thông im vắng sau nhà, lúc một giờ chiều ngày thứ tư, Mười đang ngồi dưới đồi rải đầy lá thông rụng bóng mướt, nàng loay hoay đóng mấy tập thư của hai người, (mỗi người có một tập thư dày ngót năm sáu trăm trang). Thì Nam đến thăm Mười trong bộ cánh tác chiến, trông Nam oai hùng, đẹp trai (như anh lính pháo binh ngày nào đã lội qua sông Nghĩa Phú). Trông thấy chàng, Mười chợt nhớ chuyện cũ, lòng lại bừng lên nỗi giận hờn cồn cào gay gắt. ?Cô em? không thèm đứng lên chào mừng Nam, như mỗi ngày Nam ghé thăm nhà. Mười cúi gầm nhìn xuống đất, mặt xù ra như ?con nhím cái?, mà trong bụng bực tức, xót xa hờn đau biết mấy.
Chàng nằm lăn xuống trên nệm cỏ thông nâu khô bóng mướt, tay quàng qua lưng Mười vuốt ve, mơn trớn, rồi Nam gối đầu lên đùi nàng, vòng tay qua ôm xiết nàng vào lòng. Cử chỉ thân mật nầy, khiến Mười nhớ lại cảnh Nam nựng nựng vỗ vỗ vô má Hà ở ngoài phố, Hà thì cạ quẹt bộ ngực hở hang và dụi đầu vào lưng Nam, mười ngón tay Hà bấu rịt vô bụng Nam, xoa xoa, nắn nắn, bóp bóp? thì lòng Mười bỗng bừng giận sôi lên, trong khi Nam vô tình nào biết chuyện ghen điên cuồng ấy, chàng đã tươi cười:
- Chào em cưng của anh.
Thấy Mười chẳng thèm nhúc nhích, vui vẻ hớn hở như mọi khi gặp nhau, chàng nhìn nàng giây lát, rồi hỏi nguyên nhân tại sao nàng ?xù độ? coi như con gà mắc dịch thế? Mười chỉ nhếch miệng mỉm cười lắc đầu không đáp. Nam im lặng nằm xuống thảm cỏ non, ngửa mặt nhìn lên những đọt thông xanh reo vi vu trước gió. Hai tay Nam đan sau đầu, đôi chân bắt chữ ngũ. Im lặng khá lâu, chàng nhìn Mười đăm đăm, dò hỏi:
- Nói anh nghe đi! Sao kỳ vậy?
- Mấy ngày trước em có việc cần, đợi anh suốt mấy ngày đêm nay.
- Hôm nay, được không cưng?
- Hôm nay? thì nói làm gì!
- Có chuyện gì mà trông em ?hình sự? ghê quá ta!?
- Sao bốn ngày đêm trước, anh không thèm ghé thăm em?
- Anh quá bận.
- Vậy, cách đây bốn hôm, anh không đi ra phố buổi trưa chứ?
- Không. Anh... à... ở nhà.
- Ồ, anh không chở ai đi phố à?
- Không.
Nam lại hỏi:
- Bỗng dưng, sao em lại thắc mắc gì vậy?
Mười nhếch miệng mỉm cười, im lặng. Đó là lần đầu tiên ?anh? đã nói dối ?em?. Biết nói gì nữa bây giờ! Khi Mười vẫn nâng niu và tôn trọng từng ý nghĩ của Nam! Dù sự thật bẽ bàng, chua xót kia đã xảy ra giữa ban ngày, ban mặt. Nhưng nàng tự nhũ lòng: ?hãy bình tĩnh xem sao, kiên nhẫn, đắn đo suy nghĩ, chuyện đâu vẫn còn đó?. Vì thói quen lâu ngày, hai người ở bên nhau ít nói, nên Mười làm tiếp công việc đóng quyển thư. Nam mở sách ra học bài. Mười suy nghĩ miên man. Tại sao chàng lại nói dối nhỉ? Nàng vẫn giận chàng lắm. Vì yêu Nam, Mười đã chối từ tất cả, tự đóng khung đời mình trong bốn bức tường đã định, bỏ lại sau lưng những trưa hè rạng rỡ trên xứ Đà Nẵng, hoặc nắng gió vui tươi nơi Minh Long, Nghĩa Phú. Bỏ bao hứa hẹn hạnh phúc, tình yêu Đan vĩnh cửu một đời ở Huế mộng mơ! Cuộc sống ở những nơi ấy, chắc chắn là có tương lai vững vàng, hơn ngày một tháng hai lênh đênh như bây giờ!?
Mười đã sống cho riêng Nam, chỉ vì Nam, nghĩ đến Nam. Từ cụm hoa đầu tiên khép nép nâng niu trong vườn nhà, Mười khum khum giữ gìn ở đôi bàn tay, nâng nhẹ từng cánh, rồi đem cắm trên bàn học, bên khung ảnh chụp ?đôi uyên ương?, là riêng dành cho Nam đó. Tình yêu nầy, Mười đã trao về chàng với tất cả lòng kính trọng vô tư lự, vô vụ lợi, chân thật, thẳng thắng, trinh nguyên. Tình yêu nầy đã thắng lướt mọi thách đố đầy nước mắt, vượt lên bao dục vọng thấp hèn, biến Mười thành sơn nữ trọn vẹn thủy chung. Nhưng tình yêu cũng là món nợ tận hiến, sẽ phải trả cho nhau những muộn phiền, đắm đuối đầy u mê. Nam và Mười sẽ cùng nhau uống cạn xuống đáy ly từng giọt mật cuối cùng dư vị mê đắm & đắng cay (trong câu chuyện tình đôi ta).
Chàng lăn người qua nhẹ hôn lên má, trên môi Mười để giã từ. Bóng dáng người yêu dấu chìm lẫn vào bóng hoàng hôn lướt thướt đến bên thềm. Rồi... một lần kia cách lần trước nửa tháng. Mười không thể chờ chàng ra đưa đi xem lễ như mọi khi, (nàng đi xem lễ một mình). Tan lễ Mười gặp các bạn Thạch, Ninh (cùng phân khoa), họ tươi cười nói:
- Nam đã đi lúc hừng đông mà, có lẽ đã đến nhà Mười.
Từ giã các anh bạn, Mười vội vã về nhà. Nàng hỏi anh chị Tuế:
- Anh Nam đã đến chưa, hở chị??
Chị đăm chiêu nhìn em, nói cụt lủn:
- Chưa đến.
À, chưa đến! chứ chẳng có nghĩa là không đến. Mười đi ra đi vào, đi lên lầu lại xuống cầu thang trông ngóng, nôn nao chờ đợi. Mỗi khi nghe tiếng xe ngoài đại lộ, ngỡ chàng đến, Mười vội chạy ra sân dáo dác nhìn quanh. Thấy không phải Nam, Mười thơ thẩn trở vô nhà, lại vẩn vơ buồn. Một ngày đêm chờ đợi, hai ngày đợi chờ? lặng lẽ trôi qua. Cho đến buổi chiều ngày thứ ba, Mười không thể làm gì hơn, là mặc áo quần ra phố, nàng đến nhà thăm Yến ở góc ngả ba Minh Mạng và Tăng Bạt Hổ.
Yến có bạn trong nhà, họ đang bàn tán chuyện ?xì căn-đăng éo-lẻ trên đại học, về mối tình tay tư giữa Vũ Anh, Hà, Hồng Anh, Nam. Hai cô Thúy và Nga không hề biết Mười là vị hôn thê của ?nhân vật nổi tiếng phong lưu? hào hoa nầy, nên họ vẫn thao thao bất tuyệt nói về Phương Nam:
- Tụi bây chờ lát nữa, sẽ biết anh chàng xuất đầu lộ diện nầy là ai. Không có lửa, làm sao có khói hì?
Mười không đủ can đảm nhìn cảnh tượng kém thanh lịch (đối với nàng) nên Mười cáo từ các bạn lầm lũi ra về. Đôi chân lảo đảo như người uống rượu quá say, khi Mười thấy quả thật có chiếc xe vespa của Nam đang dựng trước cửa nhà Hà. Tin tưởng vào lòng anh chân thật, Mười tin đến mức ngây thơ, hồn nhiên, muốn dâng Nam hết mọi điều, để toại lòng cùng nhau hạnh phúc. Chính hai người là nạn nhân của tin yêu và lòng chân thật vô-tư-lự nhất trong nỗi bất hạnh không ngờ.
Buổi chiều ngày hôm sau, Mười đang thêu áo trên phòng, Nam đến thăm khi nắng chiều đã nhạt trên những đồi nương. Nam chở Mười đi quanh một vòng hồ Xuân Hương, lên Khu Hoà Bình, ghé vào Nam Sơn ăn cơm. Nam lại chở Mười xuống dốc Minh Mạng, vòng qua Hai Bà Trưng, Thượng Hải, rồi về Pasteur vào tận cổng nhà. Bỗng dưng chàng nói:
- Anh có hẹn với cô bạn hôm nay, nhưng tự nhiên không thích, nên anh cho cô ta leo cây.
- Vì những tuần trước anh có rendez-vous rồi.
- Đoán mò tài ghê.
- Em đã biết anh hẹn ở đâu nữa kìa.
- Chẳng có gì ầm ỉ!
- Đừng nói dối em là: không ầm ỉ nhen.
- . . .
- Chỉ vì em không muốn nói thôi.
Nam hơi sửng sờ lúng túng giây lát, rồi trờ tới ôm bờ vai nhỏ và cười rõ tươi, Nam cảm thấy hạnh phúc khi người yêu tỏ vẻ thông cảm và thấu hiểu. Trong đôi mắt nâu ngời sáng, nàng có thể đọc được sự tự mãn, tự kiêu, tự thú. Mười ngước nhìn đăm đăm vào đôi mắt Nam long lanh tia vui mừng tàn nhẫn, dường đang xuyên qua lồng ngực mình, khiến nàng điếng lặng nghẹn ngào cúi mặt xuống, để che dấu hai ngấn lệ đắng cay (mà cuộc tình nầy đã có lần tan vỡ, dù những kỷ niệm nên thơ, thắm thiết vô vàn, vừa nối nhịp tương phùng cách đây không lâu).
Tình trạng Nam lăng nhăng cô nầy, cô nọ, chỉ chấm dứt vài ba tuần, mỗi buổi đi học về, thay vì ở trong đại học xá, chàng hồn nhiên như tuổi chớm lớn ươm nhiều mộng đẹp. Nam ra nhà anh chị Tuế vui đùa với cháu Cường. Nam vui vẻ nói chuyện ôn nhu, lịch lãm, hiểu biết nhiều vấn đề sâu rộng với anh chị Tuế. Khi anh Tuế đi làm thì Nam đọc sách, học bài. Nam kèm Mười học thêm Anh Văn, Pháp Văn. Chuyện ?tồi tệ? đó, coi như tạm chấm dứt.
Nhưng? sự liên lạc giữa chàng & nàng, xét cho cùng đã rơi vào tình trạng chiến tranh nóng, lạnh, không bình thường. Vì khi học tại lớp, Nam không dễ dàng dứt ra khỏi vòng tay Hà lả lơi, khiêu khích gọi mời. Đồng thời các bạn trai thì thọt châm chích Nam, họ vô tình hay cố ý, gãi đúng chỗ ngứa, châm chọc ?trò hề? không giống con giáp nào, mà Nam rất đố kỵ: ?Ưa lên mặt dạy người, xía vào đời tử, ép chàng chống lại mọi sở vọng khác. Và, khi Nam ra phố lại gặp Hồng Anh, Cẩm Tú, Lộc, Như Lan? mấy cô gái bu bám Nam, vuốt ve tâng bốc cho anh ta leo lên tận mây xanh, xeo đúng yếu điểm. Đúng là bọn họ bu đeo theo anh ta như đỉa đói. Nam lại phừng phưng nhảy dựng lên mà quên hết?
Rồi gần nửa tháng qua, Mười. không gặp chàng, vì Nam về Sài Gòn thăm gia đình. Mười quay quắt nhớ nhung, bồn chồn, khổ sở như mình vừa mất đi một cánh tay, một bàn chân, một sóng mắt, bờ môi, một mãnh tim, một chéo mộng. Mười đang làm Kế Toán cho Khu Phố I, kiêm thư ký hành chánh, đánh máy, văn thư. Tóm lại kiêm luôn chức ?loon toon?. Một công ba bốn chuyện, chạy như con vụ quay mà tiền lương một ngàn rưỡi. Thật là ông Chủ Tịch bóc lột sức lực con người!
Sau những ngày héo hon xa cách nhau, Mười rủ Thơ lên Viện Đại Học thăm Nam. Các bạn cho biết Nam cùng sáu anh khác từ Sài Gòn lên Đà Lạt, do có chuyện lủng củng nội bộ, nhóm Nam hoang đàng chi địa, phạm quy luật nội trú, nên bị đuổi ra khỏi ký túc xá, họ đã dọn ra ở villa đường Trần Bình Trọng. Mười và Thơ lại đi lên nhà trọ mới của chàng. Không có Nam ở nhà, anh đi vắng. Nam ở riêng một phòng, gối nệm êm ái, trên chiếc tủ gụ, có một chiếc khăn lông phủ lên, kín đáo úp mặt sát vô tường, che khuất tấm ảnh của Mười. Lồng vào khoảng trống đó: một bên là tấm ảnh của Hà, một bên là ảnh Nam. Các anh giải thích: mới dọn đến đây, sợ ?bạn Hà? đến thăm Nam, nên ?họ? trang trí thế!!! Họ là ai mà dám trang trí trong phòng riêng nầy cà? Mười ngồi nói chuyện với mấy anh không có giờ học hôm ấy, đôi mắt Thạch thân thương nhìn Mười đã ẩn chứa nỗi ái ngại, ngụ ý xót xa. Lòng thương hại lạnh lùng của bạn, khiến Mười rõ hơn con đường tình yêu ? đầy đau thương, mà mình sẽ đi qua.
Thật xui xẽo cho Mười, đúng lúc đó: má của Nam nghe tin chàng đã bỏ đại học xá ra ở ngoài. Má anh đáp máy bay lên thăm con cho biết sự tình. Bà má chỉ muốn Nam ở trong cư xá sinh viên, sẽ có luật lệ kỷ cương, (trong ký túc xá, dù sao cũng ngăn chặn tình trạng bê tha, hư hỏng, khi chàng sống quá tự do). Ra ngoài ở là điều phiền phức, bất tiện trăm bề. Mười cũng nghĩ như má của chàng. Nam sống ở trong đại học xá càng tốt, chứ một khi dọn ra ngoài, quá tự do, thì Nam sẽ có cơ hội đi chơi nhiều ít học. Không nên đâu. Gặp bà má Nam, Mười áy náy bứt rứt khó chịu, chỉ sợ má nghĩ lầm: vì mình, mà chàng dọn ra ở riêng đây. Nhưng nàng ngạc nhiên khi nghe má của Nam nói: Cha viện trưởng đã cho má Nam biết tại sao Nam bị như thế!? Rồi má hỏi chuyện giận hờn giữa Nam và Mười. Má còn biết chàng đang lẹo tẹo lăng nhăng với cô gì, cô gì nữa kìa. Thì ra... mấy cô em gái của chàng đã gọi phone về méc với má rồi.
Gần mười hai giờ trưa thì Nam chạy xe về. Má nổi giận la Nam một trận nên thân. Má nóng tính trông thấy, tay chân bà cứ run lên bần bật, mỗi khi mồi điếu thuốc. Lòng Mười buồn phiền vô hạn, thấy ngồi đó thộn ra nghe má la mắng Nam, cũng kỳ, nên Mười cùng Thơ quay gót trở về nhà. Tình trạng giận hờn, đau xót, ray rứt, phiền bực giữa chàng & nàng càng tệ hơn trước. Ít khi hai người gặp nhau, mà không cãi lẫy, cằn nhằn, ?bới móc? chuyện cũ hợp với bản chất vừa si tình, vừa khát khao, ngạo mạn, làm khổ nhau hơn, dằn vặt nhau cho hả giận, cho đã tức, nông nỗi và đắc ý. Tai mắt Mười đau nhức. Tính kiêu kỳ, lòng tự trọng bị tổn thương, cùng sự giận, ghen, thử thách gắt gao. Cộng với những giờ phút nồng nàn, say đắm bên nhau bừng lên. Như hai người vừa ghé môi vào ly men tình ái hớp ngụm rượu đào. Thì những giọt mật ngọt, mật đắng, đã hoà lẫn ngay vào trong hủ mật, càng đắng kinh khủng! Đắng nghéc.
* * *
Một buổi sáng thứ bảy, Mười ngồi xe lam từ ngỏ Yersin đi ra phố. Lúc xe lam tống ga để leo lên dốc Lê Đại Hành, gần trước mặt tiền rạp chiếu bóng Hoà Bình, Mười thấy Nam từ dưới bờ hồ Xuân Hương chạy xe vespa lên khu phố. Trên xe chàng chở tòn ten Quyên Hà ngồi chàng hảng sau lưng anh ta. Hai tay Hà ôm chặt vùng bụng dưới đì của Nam. Cô ta ngoẹo đầu qua bên hông mà ra rả nói chuyện. Đằng sau lưng Hà lại đèo thêm con bé Hồng Anh, nó cũng ngồi giạng háng trên chiếc xe vespa lắc lư, bốn bàn tay con gái kia bấu chặt lấy eo ếch của Hoàng Nam. Chúng nó mê Nam hơn điếu đỗ là gì!
Ngồi phía ngoài cùng băng ghế, Mười vô cùng sửng sốt, thảng thốt nhìn Nam không chớp mắt, lòng nàng cảm thấy buồn vời vợi. Cùng lúc đó, Nam đã trông thấy Mười ngồi trên xe lam. Mặt Nam đỏ tía rồi trắng bệt, Nam chợt lúng túng ngượng ngập thấy rõ, chàng không cười nói nữa, mà cúi gầm đầu, tống ga cho xe chạy vọt lên, Nam lái xe vespa qua mặt chiếc xe lam, và nhanh chóng cua vòng qua khu Hoà Bình, đi mất hút.
Mãi đến ba ngày sau, Nam ghé thăm nhà và ở lại nguyên ngày, Nam bình thản như những ngày qua, chàng nằm trong khu rừng thông cạnh vườn hoa, đọc sách. Vì không muốn anh chị Tuế biết chuyện buồn nầy, Mười đề nghị chàng ra vườn Bích Câu Kỳ Ngộ nói chuyện. Nam hân hoan vui vẻ đồng ý chở Mười đi một vòng quanh phố. Xuống vòng bờ hồ Xuân Hương, vòng lên sân Cù. Suốt dọc đường dài, không ai nói với ai tiếng nào. Sau cùng, hai người ngồi ở Bích Câu Kỳ Ngộ. Mười im lặng, không nói nửa lời, nàng mở quyển sách lấy tấm ảnh Nam đã chụp chung với Hà hôm dạ hội gây quỷ từ thiện, do sinh viên Đà Lạt đã tổ chức tại Hotel Palace. Chàng thất sắc nhìn bức ảnh, Nam không hiểu do đâu Mười có tấm ảnh nầy? Nam cầm lên xé vụn tấm ảnh và quẵng xuống hồ. (Lạ một điều là suốt đêm khiêu vũ rất đông đúc đó, Mười có đi dự, nhưng Nam không biết. Hà nhảy với nhiều người, mà tuyệt nhiên Mười không hề thấy Hoàng Nam nhảy trong buổi dạ hội). Trong ảnh, Hà mặc mini robe ngắn củn màu đen hở hang, cô quàng tay qua ôm bụng Nam, nép đầu lên ngực anh tươi cười lả lơi).
Mười nghĩ rằng: Em sẽ hạnh phúc xiết bao, đồng thời sẽ vô cùng đau khổ, vì Mười yêu chàng tha thiết. Nàng nguyện trọn đời chịu đựng, hy sinh, bao dung, tha thứ, để sống chung với con người đào hoa, duyên dáng và nhiều lầm lỗi nầy. Nhưng nếu Nam tính nào vẫn tật nấy, thì tất nhiên Mười không thể chọn Hoàng Nam làm người bạn trăm năm đầu gối tay ấp... Chị Tư nói đúng mà! chàng coi không được rồi! Quả thực là thế! Sự lạnh lùng xa cách tình yêu chàng ? nàng, như ngọn đèn lù mù hiu hắt trước gió, như nước đối với lửa. Nó vô tình dập tắt hết mọi niềm tin yêu, tình cảm không thể cháy bùng lên trong lòng Mười. Phải! Mười đau khổ ghê gớm, nhưng nàng không hạ mình hạ giọng van nài, năn nỉ ỉ ôi. Không! Nàng chẳng nghiêng mình trên đường đời không trải hoa pense, hoa mimosa, hoa cẩm chướng, hoa lys, violete, hoa hồng đầy gai, thậm chí cả hoa tygôn. Mười chỉ muốn đoạn tuyệt cùng Nam.
Nam & Mười ngồi im lặng mãi giống hai người ngu ngơ câm và điếc, cũng mệt! Họ bối rối nhìn nhau, biểu lộ sự xúc động, xáo trộn tâm trí qua sóng mắt ánh lên ngọn lửa rực sáng, ngọn lửa vừa yêu mến vừa giận dỗi không có gì dập tắt nỗi! Không ai nói với ai lời nào, cả hai cùng đứng dậy lên xe về nhà. Vào phòng riêng, Mười ngồi phịch xuống ghế, gục đầu vô đôi cánh tay trần vòng trên bàn rất lâu. Chàng ngồi kế bên lẵng lặng nhìn nàng. Thu hết can đảm, Mười ngẩng đầu nhìn Nam, ngần ngại nói:
- Thôi anh về đi! Em không can đảm để gặp Nam, đừng gặp em nữa!
- Việc gì đã xảy ra vậy, hở em?
- Mình vĩnh viễn xa nhau, là hơn.
- Em tự làm khổ em, và cả anh nhiều rồi.
- Phải.
- Tại sao vậy em?
- Úi trời ơi! anh đã hỏi tại sao, tại sao? cả chục lần. Cho đến giờ phút nầy, mà anh còn ngượng ngập mở miệng hỏi những câu ngớ ngẩn đến vậy à!? Tại sao? Tại sao ư? Thế thì em đã lầm lẫn anh không hề phản bội em, không phụ bạc em chứ? Mắt anh long lanh tia lửa sáng ngời. Mặt anh bừng giận, tay anh căm hờn nắm chặt lại thế kia, để hỏi em tại sao? Hừ... tại sao!? Dường như trước khi đứng trên bờ vực, anh đã do dự không biết mình có muốn nhảy xuống sông, khi em tự tử không? Anh tự hỏi tại sao anh như vậy đi? Tại ai? Anh thử đặt anh vào trường hợp của em đã nghe, biết, thấy về anh hết mọi điều; thì anh thử thò một chân xuống xem nước có lạnh không? Sóng cả có dập vùi không? Thủy triều rút xuống rồi dâng lên, có đưa mình ra đại dương mà chết đuối không!?? Anh có đủ sức chịu đựng cơn phong ba, bão tố, hay anh sẽ lội ngược vào bờ, trước khi tắt thở không? Còn em, Thương Mười đang đứng bên miệng vực nhẩm tính xem: có đủ sức trèo lên khỏi lòng giếng sâu không? Anh à!
- Thương Mười... Phải hiểu cho anh, dù đa tình, giàu tình cảm thật đó, nhưng anh rất yêu em. Anh yêu em thành thật. Anh chân thành nhắc lại: Em chính là tình yêu tuyệt vời và duy nhất của anh. Trước em, anh không hề yêu ai. Sau em, anh sẽ chẳng bao giờ, và có thể không còn yêu ai hơn em.
- Vâng. Thành thật, chứ không phải thành giả.
- Em nói gì kỳ cục vậy!?
- Em hết chịu nỗi. Hết hiểu nỗi anh.
- Mười tự làm khổ em rồi. Em biết rất rõ là anh yêu em vô cùng. Anh yêu một người chưa hoàn toàn hiểu anh.
- Em cần yên tĩnh, chứ không cần anh nói lời yêu thương ở đầu môi chót lưỡi. Trong khi đó anh đi hà rằm với kẻ khác. Thì sao nào?
Rất lâu, chàng đấm một cái rõ mạnh xuống mặt bàn. Mười giật nẩy mình, ngơ ngác nhìn lọ hoa hồng, và khung ảnh họ đã chụp chung trên Cam Ly (nhân ngày dạm ngỏ) văng tưng xuống nền gạch. Mặt kính nứt ra bốn miếng. Mười nhếch mép cười gằn. Anh xô ghế đứng dậy. Bước ra khỏi phòng, Năm đóng mạnh cửa lại, Mười nghe cái rầm. Nam muốn ra về, nhưng khi thấy Mười buồn thực sự. Nên Nam lại lặng lẽ đem xe vespa vô cất ở trong garage. Qua phòng chị Tuế, chàng bế cháu Cường ra ngoài vườn hoa, Nam dẫn cháu chập chững đi bách bộ, vui vẻ nô đùa với cháu.
Thật tình mà nói từ hồi nào đến giờ Mười cứ đinh ninh là chàng ?mể Quyên Hà, vì người đẹp ấy sống tự nhiên, lẵng lơ, dạn dĩ, dễ dãi, và rất Tây. Coi chuyện sex như là trò đùa, như một cái bắt tay chào hỏi thường nhật!? Cô không đoan trang như đa số con nhà lành, danh giá khác. Cho nên chàng thấy tội gì mà không ?ham vuỉ. Chàng có từ bỏ Mười "tửng tửng", quê mùa, thô kệch nầy, để chạy đi theo tiếng gọi ?tìn iêu?... cũng đành! Ai dè, nàng đoán sai béc bèng beng ha. Nhưng rồi, quả thực Mười kinh ngạc không hiểu tình yêu của anh là gì? Khi nàng thấy Nam đi với nhiều hạng đàn bà, con gái khác nhau. Chứ Nam không đi riêng với Quyên Hà.
Khi Nam về Sài Gòn ăn Tết Nguyên Đán với gia đình, Mười nghe mấy cô em của anh ?méc? lại là: ở Sài Gòn, chàng lại cặp bồ thêm con mẹ Tư Râu Rậm nào ở gần nhà anh. Mụ ta già hơn chàng một con giáp, có chồng và bốn năm mặt con. Ấy mà mụ ta đã ?mê anh?, và họ có với nhau những sự ?táo bạo kinh khủng?. Nghe đâu mụ có với chàng một đứa con gái đỏ hỏn nữa. Ôi! Mười không thể buông ra thêm lời hờn trách hơn vết dao thẳng thừng chém vô mặt: Trẻ không tha, già không buông thế sao đành, hở anh!?
* * *
Tình Hoài Hương
Kính mời qúy độc giả xem tiếp chương sau
Trân trọng
Đọc thơ Phạm Ngọc Thái, ta nhận thấy ở anh một tâm hồn tha thiết yêu thương và thường hồi ức về những kỷ niệm đã xa xưa:
Hãy níu lại dùm ta! Một thời dĩ vãng?
Gió vẫn trôi, lá vẫn bay vèo
Nhưng vẫn đó: em, anh - cuộc sống
Và một mối tình ta đã tặng cho hết thảy trăng sao.
(Khoảng trôi trong lá)
Hay bài Anh Vẫn Ở Bên Hò Tây:
Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu
nay hóa khói sương tan.
Một số bài thơ ta lại thấy hiện lên một cái bóng bảng lảng cõi thiền, quanh quất chốn phật đài của cái buổi hoàng hôn trong cuộc đời:
Chiều lễnh loãng bóng đa gù bên phố
Mõ chùa buông thay tiếng nói của tình yêu!
Trong sân gạch sư già quét lá
Bước người đi thầm lặng cõi hư hao...
(Một góc hồ Tây)
« Mưa bay trong tiếng chuông »:
Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện
Nam-mô-a-di-đà!
Trong khúc mưa bay âm vang trời đất
Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là?
Thơ Phạm Ngọc Thái giầu triết lý. Đặc điểm của tính triết lý ấy là được vận từ đời sống vào thơ, chắt ra từ tim óc nên cảm xúc mạnh mà không bị gò ép. Thí dụ:
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi
suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo con-đường-lông-ngỗng-trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau!
(Người đàn bà trắng)
Cái đời thường được khái quát bằng một sự trải nghiệm sâu sắc: con người với xã hội, cá nhân và thế giới. Nó mang tính đời sống triết học, tính vũ trụ? tồn tại và cát bụi. Tùy theo cảnh tình nhào luyện thành vóc thơ ca.
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái
A. ÍT NÉT VỀ SỰ KHÚC TRIẾT TRONG THƠ ĐỜI CỦA ANH
Thơ đời Phạm Ngọc Thái đẫm tính hiện thực, xã hội và thời đại. Nó rất cô đúc. Để nói về sự vất vả, lam lũ kiếm miếng cơm manh áo của người lao động, anh ví cuộc đời của họ giống như những chiếc chổi tre kéo lê trên đường, năm tháng bị mòn vẹt dần đi:
Em quét lá lẫn đời lẫn kiếp
Tiếng chổi mòn kêu xiết vào tim
(Cô quét lá đêm hồ)
Tác giả đã gắn nỗi lòng mình trước những sự mất mát của những con người bần hàn ấy, theo nghĩa ẩn dụ sâu sắc:
Trăng như đứa không nhà trôi lạc lõng
Con nai vàng chết bóng thu xưa...
Hình ảnh sinh động mà đa nghĩa. Tả về cô quét lá đêm mà thơ như một khúc hát du dương, cứ thánh thót gieo thấm vào lòng ta:
Liễu ru nhè nhẹ quanh bờ vắng
Em thầm thì quét lá bên tôi!
Trong bài thơ "Em bán xoài", tại một khung cảnh bên bờ biển thành phố Nha Trang. Dưới những bóng dừa xứ sở là những thân phận đang sống nổi trôi, vất vưởng chốn nhân quần. Chủ nghĩa nhân đạo của bài thơ chính là lòng thương người và nỗi đau đời:
Thế giới em đi "vòng thiên la địa võng"
Tóc còn xanh em bán kiếp đời trôi
Xoài em thơm hương toả mát thân người
Ai mua xoài?
Còn ai có mua em?
Để phản ảnh thân phận những lớp người xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chẳng khác gì là đoàn quân ô hợp, bèo dạt mây trôi. Nhiều nơi nhiều chỗ tranh giành, xô xéo, dối lừa nhau làm ăn không kém gì cảnh chợ giời. Đạo đức bị tha hoá:
Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống...
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng?
Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên.
(Nỗi trăn trở người đi tìm vàng).
Còn ở bài « Làm ma em vợ », ta lại thấy thi phẩm nhuốm đầm nỗi kiếp đoạn trường ở trong kinh Phật:
Em ơi: chữ ?kiếp? trước chữ ?người?!
Sống cần cố gắng, chết rồi thôi.
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
Anh ở vì chưng trả nợ đời.
Nhà văn Đào Viết Minh khi bình bài thơ này đã có nhận xét:
"Làm ma em vợ" là một bài thơ khóc. Đứng trước bao cảnh đời khốn khổ trên bờ bến nhân gian, với tâm khảm xót xa một người em vợ, nhà thơ đã viết ra bài khóc tang này... Bài thơ tuy cũng dựa trên một nỗi đời cụ thể, nhưng nó có cấu trúc của một bài thơ tượng trưng nói về nơi bể khổ dân tình - Câu thứ ba của đoạn thơ này:
Hãy đi, yên nhé! Coi hết nợ...
Cái nạn kiếp người nơi hạ tầng của chúng sinh thời nào mà chẳng khổ? Trải qua những thăng trầm trong nhân tình thế sự, chiêm nghiệm tận thẳm sâu tâm linh cuộc đời mình, thấm đẫm về chữ "kiếp" luân hồi ấy để nỗi xót thương từ trong lòng tác giả trào ra: Em chết, là coi như đã trả hết nợ đời đó em!... /- Mặt sau của bản thơ là tiếng kêu cứu xã hội, tiếng khóc nấc bật ra từ trong khối cộng đồng của thời hiện đại này?... Bài thơ chỉ như một lời khấn cầu từ bi nơi cửa phật để thắp cho đứa em tội nghiệp, cùng những kẻ đáng thương đã sinh ra ở trên cõi trần ai, một nén nhang đời!".
Vân vân...
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng
B- THƠ TÌNH PHẠM NGỌC THÁI GIÀU SẮC THÁI VÀ HAY
Hầu hết đều xuất phát từ những mối tình dang dở hoặc tan vỡ. Tuy tình yêu của nhà thơ với người con gái đã qua đi, nhưng trái tim anh vẫn tha thiết, nồng nàn lắm. Có khi còn tạo ra cả những thiên tình diễm lệ, rất đa dạng và phong phú.
Tôi có thể kể ra đây một số tình thơ, như bài « Khoảng trôi trong lá », được cấu thành dưới gió mưa và trăng sao. Những kỷ niệm tình yêu xưa trở về cồn cào, day dứt trái tim thi sĩ, tạo thành cảm xúc cho thơ trào ra:
Bỗng cồn nhớ một thời dĩ vãng
Gió cứ trôi không hữu hạn bến bờ
Nhưng vẫn đó: Em, anh - cuộc sống
Xa nhau rồi! tình cũ đến bơ vơ...
Tình yêu thì đã vào bụi cát, nhưng cuộc sống của anh và em thì vẫn phải tồn tại... dù trong lòng bao nỗi nhớ thương:
Có bao lá cây rơi, em đã vào xa vắng
Lá nuốt em. Giờ sống thế nào rồi?
Em sung sướng? Ưu phiền? Lãng quên hay bụi cát?
Mặt trăng trên trời. Tim anh rất mồ côi !
Chỉ có tiếng lá và tiếng gió vu vi kia đáp lại lời tâm tình đó của anh.
Về thơ tình mùa thu thì sâu lắng và súc tích. Cái cách tả người yêu của anh thành biểu tượng:
Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
Đường phúc hậu vầng trăng đầy nở...
... Môi em cười hoa lá nát đau thêm.
(Sáng thu vàng)
Để rồi anh hạ một câu thơ thật đắt:
Người đàn bà, em nuốt mùa thu tan!
Chữ «nuốt mùa thu» còn mang theo cả ý nghĩa thơ siêu thực. Hay ở bài « Đêm thu phố vắng »:
Ta sẽ viết cho ai bài thơ đêm thu vắng?
Tiếng trong khuya em gọi vọng rất xa
Trên thảm lá lòng ta say đắm
Tha thiết bên em vì không muốn đêm qua...
Anh đã đem đến cho thi đàn mấy bài thơ mùa thu đặc sắc.
« Thông và biển » là một tình thơ mà đôi trai gái đã được hoá thân vào đất trời, để ca vọng mãi tình yêu tuổi trẻ:
Anh đứng làm cây thông trên đá, sỏi
Vi vu kêu... tình thiếu nữ qua rồi!
Trong cuộc sống đầy đá, sỏi... Tháng năm thì như một đoàn tàu nghiền đời ta thành tan nát, nhưng "thông và biển" vẫn cứ quấn quít mà hát mãi bên nhau. Chúng hát rằng: Trong sự tồn tại của đất trời chỉ có tình yêu là vĩnh cửu!
Nếu ở bài Người Đàn Bà Trắng, ta bắt gặp một Phạm Ngọc Thái với cách triết lý về tình yêu - cuộc sống rất thực tiễn như đã nói ở trên - thì trong « Em về biển », tình yêu ấy lại được nhà thơ đẩy cao lên thành một thần tượng thiêng liêng:
Bờ bãi đời người - Cuộc sống tình yêu
Trái tim nhỏ em dựng cả toà sen chân Phật Tổ!
Như nhà thơ Nga M.Lermôntốp đã thần tượng tình yêu đối với người đàn bà:
Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ.
Ở bài Một Góc Hồ Tây tôi thích cái câu thơ:
Thiếu vắng em nên anh lẻ bóng
Lá vàng rơi thay vào chỗ em ngồi...
Bài thơ vẽ lên một bức hoạ mà mỗi cảnh vật đều thấm đẫm tâm linh của một con người đã bước vào tuổi hoa niên. Tâm hồn nhà thơ vẫn yêu da diết nhưng lại chơi vơi nửa vời bởi sự cô liêu, đầy sắc hư hao:
Trong tiếng lá bay... chầm chậm bóng ta theo...
Về « chùm thơ áo trắng », nuối cảm những tình yêu chớm nở thưở ban mai. Có những câu thơ hình tượng gợi vào trái tim làm ta bàng hoàng, da diết:
Tà áo trắng động vào... khe khẽ nát tim anh!
(Thời áo trắng)
Hay là:
Tà áo trắng trôi dưới dòng mây bạc
Lang thang vài cánh bướm bơ vơ
Áo trắng in ngang trời - sét đánh!
Lưỡi dao nào cào nát tim thu?
(Phố thu và áo trắng)
Nhà thơ không khỏi bỡ ngỡ, thảng thốt như một giấc chiêm bao. Vừa mới thoáng đây thôi mà mình đã già rồi? Vì thế nên cả thành phố cũng hiu hắt, cô đơn cùng nỗi lòng anh, muốn níu kéo lại một thuở nào:
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!
Trái tim của nhà thơ nhiều khi giống như một con tầu chở đầy ắp tình yêu chuyển bánh. Con tầu ấy chạy qua những cái quán cô quạnh trong tiếng gió hú, những vầng trăng chết đuối đang trôi, những làn mây lang thang ở chân trời và cả thành phố đang chìm đắm trong đêm. Tình yêu người thiếu nữ như hồi chuông nơi thánh đường trắng trinh, vuốt ve trái tim đau nhói của nhà thơ. Trái tim ấy như một loài hoa không ngủ, nó bay theo con tầu chuyển bánh đi mãi, đi mãi tới vô cùng:
Quán cô quạnh suốt đời nghe gió hú
Trăng chết đuối rồi? trắng dại? đang trôỉ
Mây lang thang dưới chân trời bão tố
Thành phố chìm trong đêm xa xôi.
Và:
Hương đã theo anh và con tầu chuyển bánh
Đến vô cùng mà chẳng biết đi đâu?
(Trong bóng cây ngủ đêm)
Tình yêu trong hoài vọng, trong kí ức là vô vỉ nhưng nó vẫn như cánh chim bay xa, mang đến cho anh cả đau khổ cùng hạnh phúc, khát vọng và tan vỡ! Những hình tượng thi ca chứa đầy ắp trong tâm hồn của nhà thơ, theo cảm xúc dào dạt bay ra mà tạo thành hàng trăm áng thi ca ngập tràn hương sắc.
Có khi chỉ nằm trong nhà nghe thấy tiếng rúc của một con chim đêm trong bụi cây, với nỗi trống trải cô dơn của lòng mình - Thế là tác giả liên tưởng tới câu chuyện tình của đôi chim:
Chim gọi đàn - Anh gọi tên em
Năm tháng, nắng mưa, non ngàn, bão tố
Có lẽ nào em không về nữa?
Để hồn anh hoang mạc bơ vơ...
Và chuyện "tình chim" trở thành chuyện "tình người". Mối tình cũ lại gợi về:
Đã xa rồi! Mùa dĩ vãng trăng mơ
Đời vui vẻ cuốn theo dòng gió bụỉ
Để rồi:
Con chim đêm run rẩy bóng xanh già
Anh bổi hổi một thời qua vọng lại...
(Tiếng rúc chim đêm)
Đó là tiếng run rẩy của con chim? Không! Đó là tiếng run rẩy của trái tim thi sĩ còn vọng mãi vào năm tháng xa xôi, vô cùng, vô tận kia. Tiếng lòng của anh vọng gọi người yêu!? Thơ đã mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc trong tình yêu và sự sống con người.
Thơ tình của Phạm Ngọc Thái nhiều vô kể, sâu sắc và không ít thi phẩm đã đạt được tầm vóc là những bài thơ tình hay! Hầu hết đều là thơ tự do hiện đại. Tác giả rất coi trọng tính nhạc và giọng điệu nên thơ đọc cuốn hút, truyền cảm được trái tim đời. Có thể nói, thơ Phạm Ngọc Thái như một bầu trời mênh mông sâu thẳm... được chẩy ra từ trong máu tim và cuộc đời. Càng đọc sâu càng thấm thía.
Giảng viên Trường ĐH Sư phạm
Những tác phẩm Thơ & Bình luận thi ca của Phạm Ngọc Thái xuất bản gần đây nhất:
Chương cuối (tiếp theo)
Những cuộc chuyện trò thú vị, thân mật hơn lại tiếp tục vào buổi chiều ở ngôi nhà cổ
trong Phố của gia đình Nữ. Vợ chồng nàng mời phái đoàn dùng bữa ăn tối tại nhà.
Vành trăng thượng huyền treo lơ lửng trên nóc tàng cây vú sữa trồng ở góc sân trời.
Đèn lồng treo khắp vườn. Khách mời không ngớt nhìn những kiểu đèn lồng độc đáo
chiếu rọi ánh màu ngũ sắc lên những tượng cổ Chàm đứng ngồi mộng mị suốt cả ngàn
năm. Khách đứng ngây nhìn tưởng chừng lạc bước vào một thế giới huyền ảo không
ngơi.
Thực khách quây quần ngồi kín năm bàn ăn tròn lớn đặt giữa vườn. Viễn-Bình được sắp ngồi với gia đình O Nữ để tiếp chuyện các vị giáo sư khoa trưởng trong phái đoàn. Ngồi chung bàn còn có cô Quế và đặc biệt là một giáo sư hồi hưu từ Pháp về. Sau khi nghe Viễn-Bình giới thiệu, các giáo sư trong bàn đều đứng dậy kính nể bắt tay chào hỏi. Ông Chương là giáo sư nổi tiếng thế giới về Vật Lý Lý Thuyết của Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp. Viễn-Bình cảm kích bắt tay ông.
* Đại học Đông Du chúng tôi thật may mắn có giáo sư tình nguyện về giúp.
Giáo sư Chương cười hiền lành nhìn mọi người.
* Thật ra tôi đã có ý định này từ vài năm nay, sau khi hồi hưu, nhưng vì chính sách giáo dục đại học của nhà nước cộng sản Việt nam hay nói đúng hơn là vì những khuyết tật của chính sách giáo dục này nên tôi chần chừ mãi. Cho tới khi giáo sư Viễn-Bình liên lạc, lắng nghe tôn chỉ mục tiêu giáo dục của Đại học Đông Du lại được bà vợ gốc Quảng nhắc nhở nên tôi đã có quyết định nhanh chóng. Tôi rất quý giáo sư Viễn-Bình, nhất là luận án tiến sĩ về Vật lý rất nổi tiếng của anh.
Các giáo sư cùng bàn đều vỗ tay đồng ý, nhất là vị từ Đại học Chicago. Ông Chương tiếp lời.
* Ba năm trước tôi đã thất bại mời anh về thay tôi ở Đại học Bách khoa Pháp, để anh vuột về Đại học Chicago. Năm nay anh lại thành công rủ rê tôi và cả ?ma femmẻ về đây. Nhà tôi sẽ bay qua tuần tới. Quý vị thấy đó, ông giáo sư này tài thật! Nhân đây, xin chúc mừng anh Viễn-Bình đã nhận nơi này làm quê hương.
Viễn-Bình nhìn quanh khung cảnh đầm ấm của căn nhà anh sống hạnh phúc hơn hai năm qua. Anh thương mến nhìn Hà ngồi bàn bên đang cùng anh trai tiếp chuyện các giáo sư khác.
* Nơi nào được bao bọc bởi người mình thương yêu thì nơi đó là quê hương. Hơn nữa từ Hội An về Hồng Kông cũng chẳng bao xa. Anh cườỉTrong tương lai, lúc có cháu nội bố mẹ tôi chắc chắn sẽ bay xuống thường xuyên.
Thức ăn đặc sản ngon miệng cùng với những câu chuyện trò đối đáp thú vị khiến mọi người như quên cả thời gian. Một vị khách hết lời khen ngợi kiến trúc và cảnh vườn của ngôi nhà cổ. Ông hỏi thăm Nữ về bảng đồng ?My Fair Lady English Housẻ treo trước cổng. Nữ vắn tắt kể cho mọi người nghe về ngôi trường một phòng dạy Anh văn khởi từ
mười lăm năm trước. Lớp học núp sau căn phố làm đèn lồng, học trò phần đông là những đứa bé bán dạo kỷ vật lưu niệm cho du khách ngoại quốc.
* Mười lăm năm sau trường vẫn nhỏ, tuy số phòng học đã tăng gấp đôi lên tới? hai. Chúng tôi mới dời từ phố về đây cùng với phòng trưng bày cổ vật Champa cho khang trang hơn. Còn về tên trường ?My Fair Ladỷ thì chẳng qua là tôi đã ?fancỷ cái tên Việt của mình lúc chuyển ngữ. Nữ cười? Cũng có lẽ là tôi vẫn chưa quên lần được chị cả, là mẹ của giáo sư Đăng, dẫn đi xem phim ?My Fair Ladỷ lúc sáu, bảy tuổi chi đó.
* Vậy là tôi không ?fancỷ chút nào khi nói tên Việt của bà rất đẹp.
Mọi người thích thú cười lớn hơn lúc chú Hiroshi ví von tiếp lời.
* Tôi vẫn nói như thế đấy với my fair lady mỗi ngày.
Vị khách nâng cao ly rượu vang mời mọi người sau lời chúc tụng.
* Từ ngôi trường một lớp, mười lăm năm sau bà giúp xây dựng cả cơ ngơi một trường đại học. Quả là một thành công vượt bực khó ai bì kịp. Xin chúc mừng.
Nữ sớt một phần rượu vang của mình vào ly chồng. Nàng xúc động nhìn con cháu ngồi quanh trong vườn nhà.
* Chúng tôi mừng thấy thế hệ con cháu trong gia đình hội đủ tài năng cáng đáng để có được kết quả như ngày hôm nay. Thế hệ chúng tôi vấp ngã nhiều, chỉ có thể giúp các cháu một phần rất nhỏ bước đầu. Nếu phải nhắc tới mười lăm năm của phần đời mình như một đồ thị của thành tựu thì tôi xin theo ý của người mẹ chồng nghĩ tới nó như một vòng tròn. Ngôi trường Anh văn một lớp năm xưa và trường đại học hôm nay vừa chạm nhập vào một điểm rồi mất biến trên cái vòng tròn đó. Còn lại tôi rất nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Giây phút cảm động trôi qua. Cảnh sắc trong vườn, tình thân thuộc quây quần, và thức ăn mới thơm ngon vừa dọn lên làm tiếng nói cười lại vang lên.
Ông Chương ăn thử món mít trộn xúc bánh tráng, thú vị kêu lên ?Ngon tuyệt!?.
* Bà nhà tôi có thử làm món này, chúng tôi có lần lái xe lên tận Brussels, Bỉ vì nghe nói có quán ăn Quảng nhưng chẳng thể nào bì được.
Vị giáo sư hồi hưu hứng khởi kể chuyện ông được trường đón tiếp chu đáo từ lúc máy bay đáp xuống phi trường Đà Nẵng trưa nay. Con đường về Hội An dọc theo bờ biển phong cảnh hữu tình. Khu trường đại học kiến trúc Đông Tây tinh tế hài hòa với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho sinh viên, giáo sư. Làng Đại Học khung cảnh nên thơ được xây cất cách trường chỉ một quãng đường ngắn. Làng có cổng vào riêng với chừng sáu mươi ngôi nhà nhỏ nhắn, kiến trúc khác nhau. Vài ngôi nhà cuối làng dựng theo cấu trúc nhà rường cổ Quảng Nam, mái hiên cao che nền gạch lát công phu. Phía sau dãy nhà là đầm nước đang giữa mùa sen, màu hoa trắng hồng chen nhau khoe sắc. Cánh đồng lúa xa xa bát ngát một màu xanh rập rờn theo gió. Ông ngây ngất hít thở hương sen thoảng quyện trong nắng gió mùa hè cố quận. Hơn năm mươi năm trong Kinh Thành Ánh Sáng? ông thảng chợt vuốt mặt, thầm nghĩ có lẽ hương đồng gió nội là đây.
Ông theo chân người hướng dẫn đang khệ nệ mang hành lý vào căn nhà trước mặt. Trong nhà không ?cổ? như bên ngoài, có đầy đủ tiện nghi hiện đại theo tiêu chuẩn Tây phương. Ông mở cửa bước ra khoảng sân gạch sau nhà có bộ bàn ghế nhỏ dưới giàn bông giấy đỏ rực và mấy chậu bonsai trang trọng đặt trên bệ sứ cao. Người thanh niên trao ông chìa khóa nhà và một bao thư khổ lớn.
* Mọi chi tiết cần thiết đều ở trong bao thư này, cả mã khóa để lên mạng. Nếu cần chi thêm ngoài những vật dụng đã có sẳn trong nhà thì giáo sư cứ gọi chúng tôi.
Gần cổng ra vào, cạnh nhà khách cũng có một tiệm tạp hóa nhỏ. Hi vọng giáo sư vừa lòng với căn nhà này.
Ông bắt tay cảm ơn người hướng dẫn. Anh ta vừa dợm bước bỗng quay lại. Nhìn theo hướng tay chỉ của anh, ông thấy một chiếc xuồng con cột lấp ló ở cuối chiếc cầu gỗ nối từ sân sau nhà bên cạnh chúi sâu xuống bờ đầm.
* Bà Nữ xây trường đại học cũng là chủ đầm sen này. Giáo sư sẽ gặp bà thường xuyên. Bà hay ghé nhà ngồi ngắm sen, lần nào cũng chèo một vòng hái cả bó sen hồng. Bà có nhờ cô Hà nhắn cho biết lúc nào thích giáo sư có thể chèo xuồng ra đầm ngắm sen.
Tiệc vui rồi cũng tàn. Viễn-Bình cảm tạ mọi người, anh nhắc qua chương trình buổi họp với chính quyền ngày mai. Tiễn khách ra về, vợ chồng Hiroshi đứng lại giữa vườn nhà. Nhóm dịch vụ của nhà hàng đã nhanh chóng dọn sạch sẽ sân gạch và mang bàn ghế ăn ra xe. Im lặng trở về sau cổng nhà đóng kín. Vành trăng xa thả ánh vàng mơ hồ vuống vòm bóng lá chờ khuya, đèn lồng soi thầm lặng.
* Anh có còn nhớ cũng sau một đêm tiệc tàn như đêm nay?
Hiroshi khẻ gật đầu.
* Đêm tiệc cưới của Xuyến với Tuyên. Có anh chàng samurai đến tay không mà vẫn được vợ.
* Đã mười năm ? Hèn chi em già rồi anh hỉ!? Tuyên bận đi Sài Gòn thương thảo hợp đồng mới cho công ty. Xuyến đi dự với anh chàng Vinh bảnh trai, hãnh diện đi bên mẹ thấy thương quá.
Nữ quay người, ôm quàng lưng chồng.
* Mười năm trước em đòi ông samurai dẫn đi Tokyo thăm mẹ. Định mệnh ôm choàng em với mẹ vào nhau. Nữ cườỉBây giờ không kịp đi xa, hay là vài đêm nữa tới trăng tròn mình ra ngôi nhà nhỏ trong Làng Đại Học chèo xuồng ngắm sen đi anh.
* Ngắm sen đêm!?
Họ cười khúc khích ôm nhau đi vào nhà lúc người vợ thầm thì. Trăng soi mà, sen mô cũng ngắm hết.
Đại học Đông Du rập theo chương trình giảng dạy của các trường đại học Mỹ bảo trợ nên ngày tháng hình như qua nhanh hơn. Sinh viên thi xong học kỳ đầu là được nghỉ Đông và Giáng Sinh, mãn học kỳ tiếp theo thì tết Âm lịch lấp ló đến gần như cùng thời gian với nghỉ Xuân. Sau đó sinh viên lại bận rộn học hành thi cử cho đến Hè.
Chị Nhi, chị Nương thay nhau về Hội An thăm con cháu vào thời gian nghỉ của trường. Chị Nhi về Hội An vào dịp Giáng Sinh, ở lại chăm sóc cháu Eli cả tháng. Ngôi nhà nhỏ trong Làng Đại Học rộn ràng tiếng cười bà cháu vào những ngày trong tuần mẹ Jeanette không đưa Eli đi nhà trẻ. Các ngày rảnh Nhi về thủ thỉ chuyện trò với em trong căn nhà thơ ấu, những ngày như vậy thường chấm dứt lúc chị em Nhi Nữ dẫn nhau ra chợ ăn hàng. Cuối tuần họ bày chuyện nấu nướng để đại gia đình gặp nhau tại nhà trong Phố hay ngoài cửa biển. Bụng Hà lúc này đã lùm lùm. Vợ chồng Viễn-Bình muốn sinh con vào dịp nghỉ hè để việc trường của Hà bớt bị ảnh hưởng.
Chị Nương về thăm con vào thời gian Tết và dự đám giỗ anh Niên. Không hẹn mà vợ chồng anh Tiệp cũng đưa con theo bà nội về thăm quê vào dịp đầu năm. Bình-Nguyên lần về thăm trước mới là cô bé vừa lên trung học còn đeo niền răng bây giờ là cô sinh viên năm thứ hai bặt thiệp, tự tin. Nữ nhìn chị Cao-Nguyên vẫn giữ nét đẹp ngày nào, thân thiện ?giỡn mặt? với người bạn lớn của mình.
* Mẹ con chị Cao-Nguyên thì trẻ đẹp như hai chị em. Còn anh, em thấy răng mà ?giòa? hơn hồi anh đi làm rừng trên Tây Nguyên nhiều quá. Chắc là ở bên nớ bị đì dữ lắm!?
* Chị vẫn thấy anh ấy đẹp trai như thường lệ, chỉ là hơi bị phì nhiêu và ?giòa? một chút xíu thôi.
Tiệp lắc đầu nhìn hai chị em đang ôm nhau cười.
* Tưởng là về đây được yên ổn vài ngày? Ông bạn Hiroshi có gan dẫn tôi vô resort làm mấy chai đặng rửa cho sạch nỗi buồn này không?
* Gan thì có mà dẫn thì không dám. Vài ngày nữa anh đi rồi thì ai bảo vệ tính mạng tôi đây?
Tối ba mươi Tết mọi người quây quần trước sân canh lửa nồi bánh tét nấu từ trưa. Trẻ con nô đùa bên người lớn trò chuyện râm rang chờ cúng mộ rồi đón giao thừa. Eidan đứng bên dì Bình-Nguyên bồng cháu Eli, cậu bé hí hửng nhìn ba ông cậu phải thay nhau vớt bánh tét từ chiếc nồi lớn ?cả đời cháu chưa từng thấy? vì lửa nóng và khói cay mắt. Từng đòn bánh nóng hổi bốc khói thơm lừng mùi lá chuối. Ba chị em dâu Shiori, Jeanette và Hà lúi húi sắp bánh trái, hoa quả chuẩn bị mang ra vườn mộ.
Nữ đứng lại bên bếp nấu bánh còn rực than hồng chờ Hiroshi từ khách sạn về. Khu du lịch đêm nay cũng tổ chức đón giao thừa cho du khách với đủ nghi thức cổ truyền nên suốt buổi tối anh như con thoi lên xuống mấy bận.
Đèn giăng trên cao chiếu tỏa xuống khu vườn mộ thành vòm ánh sáng co tròn đều đặn vì trời khuya đen đặc bao quanh. Trong vòm sáng vàng tươi bóng con cháu lăng xăng đi lại vui mắt. Mẹ Mitzuki đứng với dì Chức, dì Nơi trước cổng chào torii chờ vợ chồng Nữ bước đến. Nữ lặng người đứng nhìn cảnh sum vầy đẹp tuyệt trần của gia đình anh Niên. Giọt nước mắt hạnh phúc tràn đầy ứa ra trong cảm xúc bồi hồi. Giọng bà Mitzuki có lẽ không cầm được xúc động.
* Mẹ và hai dì đứng nhìn mãi không chán hình ảnh tràn đầy hạnh phúc không thể nào mua được. Chồng vợ, mẹ cha, con trai, con gái, rể dâu, cháu đang nằm trong bụng, cả gia đình sum họp trùng phùng lần đầu tiên trong đời.
Dì Chức hình như cũng vừa khóc xong.
* Nam mô A Di Đà Phật. Có lẽ sung sướng hạnh phúc nhất là ba người nằm dưới mộ tối nay. Cầu xin anh chị và cháu Niên phù hộ cho người đang sống.
Dì Nơi thì không ngớt khen cô dâu Shiori.
* Cô Nương ni có phước phần. Cháu Shiori tỏ ra rất cung kính, khiêm ái với mẹ chồng. Lúc cháu luýnh quýnh nhìn quanh ai cũng khóc, rồi được mẹ chồng ôm an ủi thấy thương quá. Nhưng thương nghất là cái bụng tròn tròn của cháu Hà.
Đăng-Jeanette với vợ chồng anh Tiệp và cháu Eidan giúp đã sắp đặt xong bánh trái, hoa quả lên mộ ông bà ngoại. Chị Nương cũng vừa đốt nến trên mộ anh Niên. Jeanette đỡ con trai đã ngủ gục từ lâu trên vai dì Bình-Nguyên.
Nữ đến bên Nương, chị em ôm nhau mắt ai cũng còn vướng lệ. Thời gian từ từ trôi vào biên ngưỡng cuối cùng của năm trong không gian linh quyện trầm hương đầm ấm.
Dì Nơi khẽ nhắc Nữ.
* Cô ?trưởng nam? ra thắp nhang van vái ông bà, mừng đón giao thừa đi cháu.
Mọi người lần lượt thắp nhang, vái lạy trước mộ phần. Eidan bỗng reo lên lúc tiếng pháo từ khu du lịch bắt đầu nổ rang. Tiếng pháo giao thừa từ các khách sạn bên kia đầm cũng nôn nả vọng qua. Cậu bé chạy bổ tới bố vừa treo xong phong pháo dài từ một cành ngô đồng cạnh nhà mát. Hiroshi trao cho con cây nhang thật dài đã cháy đỏ. Gia đình kích
động đứng quanh chờ trong lúc anh chàng Eidan thập thùi với cây nhang run run trên tay. Eidan ù té chạy lúc phong pháo bắt đầu nổ vang, xác pháo bay loạn xạ. Eli giật mình tỉnh ngủ khóc thét lên. Mọi người tười cười bắt tay nhau chúc mừng năm mới vừa đến trong tình thương yêu, hạnh phúc gia đình.
(còn tiếp)
Lời TG : Tình cờ nghe Một XNV của đài Radio nọ, anh đã tản mạn cùng thính giả về tuổi trẻ thật vui của anh và những người bạn . Trong đó kỷ niệm vui nhất của anh và các bạn được "Thầy" cho một đạo bùa yêu. Đạo bùa này linh nghiệm ra sao, xin mời theo dỏi câu chuyện phóng tác này nhé .
Tôi còn nhớ như in trong tâm trí tôi những thằng bạn thân thiết nhất trong đời của mình, nào là Tâm, Mẫn, Thành,Tựu. Vũ là tôi thêm vào danh sách này chúng tôi thành ngũ quỷ mà thời bấy giờ nơi giảng đường Đại học các nhóm khác thầm ao ước được có cách học cách chơi như nhóm ngũ quỷ chúng tôi, bởi chúng tôi tuy không cùng quê quán, có đứa ở tận miền bắc xa xôi, có thằng sinh ra và lớn lên nơi vùng đất miền trung cằn khô sỏi đá, vùng đất mà dân gian mình thường ví trên đầu môi là nơi "Chó ăn đá, gà ăn muối", ý nghĩa chính xác của câu ví trên như thế nào tôi không rõ lắm, nhưng nôm na tôi biết họ diễn tả vùng đất đầy khốn khó mà người dân sống nơi này. Dĩ nhiên không thiếu thằng bạn ở miền tây sông nước, nơi phù sa bồi đắp cho cây ngọt trái lành, tôm cá ê hề ăn không hết phải làm khô làm mắm, còn tôi thì quê ở một tỉnh miền tây nhưng sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Sài gòn thì đương nhiên là dân Sài gòn chánh gốc " Miến điện" rồi phải không các bạn.
Như tôi đã nói, chúng tôi là cư dân khắp mọi nơi trên ba miền của dãy đất hình chữ S, đất nước mến yêu của mình mà mọi người ai nấy đều yêu mến, tuy giọng nói và cách thức sinh hoạt có khác nhau nhưng chúng tôi xem nhau như anh em một nhà, thậm chí chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn thầm kín nhất trong lòng, khu hữu sự xảy ra cho ai trong nhóm ngũ quỷ thì y như rằng tinh thần "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" được nhóm chúng tôi thể hiện đúng tinh thần câu trên kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, do đó mà các nhóm khác thèm cách sống của nhóm họ như nhóm chúng tôi là vậy.
***
Cái tuổi chúng tôi thời bấy giờ nhìn đâu cũng toàn màu hồng trong cuộc sống, trong lớp chúng tôi được các thầy cô truyền chi những kiến thức và những điều hay lẽ phải để ở đời, tuy vậy đôi lúc cho chúng tôi cũng được các thầy cô vạch cho chúng tôi thấy mặt trái của cuộc đời trong một số vấn đề, mục đính nhằm giúp chúng tôi trang bị thêm mớ "hành trang" để bước vào đời sau này.
Tuy phải bù đầu bù cổ học hành, nhưng đôi lúc chúng tôi cũng dành một góc trong con tim để chứa đựng hình ảnh của cô bạn gái học cùng lớp, thời bấy giờ muốn thổ lộ tình cảm với các cô nàng chúng tôi cảm thấy thật khó khăn, vì các cô nàng gương mặt lúc nào cũng khó đăm đăm qua đôi mục kính, có lần tôi định bụng cố gắng làm quen với cô nàng tên Duyên, mà kể cũng lạ trong lớp không thiếu gì các cô chẳng những tên rất đẹp mà còn đẹp về nhan sắc rất tuyệt vậy mà tôi lại thích cô Duyên, sau này tôi nghiệm lại chắc vì tôi tự kỷ ám thị với tên Duyên do tôi rất thích bài hát "Thà như giọt mưa" của nhạc sỹ Phạm Duy sáng tác phổ thơ của anh Nguyễn Tất Nhiên , tôi thích nhất câu :
" Khiến người tên Duyên đau khổ muôn thiên" .
Vì lẽ đó nên tôi thầm thích và manh nha ý nghĩ trong đầu phải làm quen bằng được nàng Duyên của tôi.
Qua một vài cử chỉ để có cớ làm quen với cô nàng, một hôm tôi đánh bạo đến bên nàng tôi vờ hỏi bài :
- Duyên à cho anh hỏi chút nhé, anh thấy môn Triết sao khó nuốt quá, còn Duyên thì sao?.
Cô nàng lườm tôi một cái, vẫn với gương mặt khó đăm đăm, tay tháo đôi mục kính ra khỏi khuôn mặt, mắt nàng nhìn thẳng vào tôi nàng phán một câu xanh rờn:
- Khó nuốt thì dễ thôi, chổ nào ông thấy khó nuốt chịu khó hớp vô ngụm nước cho trơn cổ rồi nuốt ngon lành ngay thôi.
Nghe người trong mộng trả lời kiểu móc họng, tôi sượng sùng trong lòng nhưng cũng có giữ cho bình tĩnh trả lời:
- Trời, trời. Anh hỏi thiệt mà, Duyên "móc lò" anh chi vậy tội nghiệp anh mà.
Những tưởng " ca bài ca con cá" nàng sẽ cảm động trước sự chân tình của mình, không ngờ nàng phán thêm câu nữa khiến tôi " Tắt đài " luôn:
- Mấy ông nói ai mà tin cho được, cũng bài đó, cũng thầy đó sao người khác lãnh hội được, còn mấy ông lại " than trời trách đất" , ngũ quỷ mấy ông xem lại mình đi...
Tưởng đâu mình vô duyên bạc phước nên không gần gũi được với người trong mộng của mình, ai dè đâu hôm chúng tôi tham dự buổi tiệc liên hoan trước khi nghỉ tết, khi tên nào cũng là đà hơi men đứa nào cũng thú thật vẫn còn "Phòng không chiếc bóng", lúc này trên gương mặt đứa nào cũng phảng phất nỗi buồn khôn nguôi.
***
Từ ngoài cổng thằng Thành chạy nhanh vào khu nhà trọ nơi nhóm ngũ quỷ chúng tôi ở thuê, bằng cái giọng hối hả nó nói:
- Mấy ông ơi! Thằng Tiến lớp kế bên ngày mai nó về Phước Long quê nó, nó kêu tui về rủ rê mấy ông cùng đi cho vui, xe cộ ăn uống nghỉ ngơi nó lo hết, tụi mình khỏi phải lo gì cả, mấy ông chuẩn bị nghe, năm giờ sáng khởi hành đó.
Nghe cái tin này chúng tôi đứa nào cũng vui ra mặt, tôi thầm nghĩ trong bụng:
" Đứa nào cũng đang thất tình, kệ nó đi chơi xa một chuyến cho thanh thản trong lòng"
Tôi bèn đáp:
- Vậy thì hay qúa, chuẩn bị đi mấy ông, ngày nai mình đỗi gió cho khỏe người để chuẩn bị bước vô kỳ thi nhé .
Cả đám đồng lòng hô to:
- Hoan hô thằng Tiến, hoan hô hoan hô.
***
Thế là bộ sậu ngũ quỷ chúng tôi lên đường, chiếc xe hơi cũ kĩ cũa ba thằng Tiến cũng không tệ, chúng tôi chen chúc ngồi chật như niêm, sau và giờ xả tốc lực Bác Bảy tài xế đưa chúng tôi đến quê nhà của thằng Tiến, trước khi về nhà thằng Tiến, bác Bảy lái xe ghé vào chợ Phước Bình bác đãi chúng tôi những tô hủ tiếu thật ngon của vùng sơn lâm chướng khí, ăn xong chúng tôi xin bác Bảy cho chúng tôi dạo vòng quanh chợ miền núi buôn bán ra sao, cũng để cho xe nguội máy, bác đồng ý để chúng tôi dạo một vòng chợ cho thư giản gân cốt sau một đoạn đường dài.
Chợ miền núi đơn sơ, hàng hóa không nhiều, nhưng những món hàng nơi phố thị cần mua thì tìm đỏ con mắt như Thịt thú rừng, Nai, cheo, mễn.v.v.., măng le, mật ong rừng thứ thiệt mang mùi thơm ngào ngạt, có người bán mật gấu, khô khỉ, kỳ nhông kỳ đà.
Khi dạo đến hàng cuối chợ chúng tôi được hai vợ chồng anh người Thượng gọi í ới :
-Mấy chàng trai ơi ! Ghé vô ghé vô thỉnh bùa đi, có lá bùa này trong tay thì con gái theo nườm nượp, rẻ lắm rẻ lắm.
Nghe tiếng rao hàng của anh Người Thượng là lạ, sẳn dịp cả đám đang thất tình, tôi khiều thằng Tiến lại hỏi nhỏ nó:
- Ông Tiến nè ! Anh này bán bùa yêu kìa, ông là thổ địa ở đây ông hỏi ổng giá cả và cách thức xài bùa ra sao .
Lâu lâm thằng Tiến mới về quê một lần, nó cũng "Ù ù cạc cạc" như chúng tôi nhưng thấy tôi nhờ vả thì nó cũng làm tài lanh làm như nó rành anh này như rành sáu câu vọng cổ mà nó thường hát cho chúng tôi nghe trong những đêm hè oi ả ở khu nhà trọ, Nó tiến đến rồi cất tiếng hỏi anh người Thượng:
-Anh là Người Stieng ở Sóc Bù Tam , xã Đa Kia ra bán phải không ?
- Ờ phải rồi , Dớ có mua bùa về để yêu không, tui bán rẻ cho, hiệu nghiệm lắm nghe, đây nè bà vợ tui nè hồi trước bả ghét tui dữ lắm, tui bỏ bùa bả một cái bả theo tui tới bây giờ, bả đẻ cho tui gần chục con nít rồi, mua đi hiệu nghiệm dữ lắm.
Bà vợ anh Người Thượng nghe chồng nói thì làm ra vẻ mắc cỡ đưa tay nhéo bắp dế non anh ta một cái khiến ông chồng đau đớn la lên:
- Cái gì nữa đây bà, chục con nít rồi bây giờ còn đòi tui khiều nữa hả , không có nữa đâu để bùa đó tui khiều bà khác cho vui .
Bà vợ nghe xong câu nói trên bà dùng hai tay đánh thùm thụp vào lưng bồ tượng của ông chồng, rồi cả hai cùng cười vang khiến chúng tôi cũng cười hùn vào thật vui .
Thằng Tiến hỏi giá cả và cách sử dụng, hai bên đồng ý mua và bán sáu đạo bùa yêu này , anh ta chỉ cách xài như sau, nếu thầm thương trộm nhớ cô nào, hoặc muốn ghẹo ai chỉ cần rờ tay vào đạo bùa này rồi lấy bàn tay đó khiều ai mà mình muốn chinh phục thì họ sẽ mê người khiều họ như điếu đổ, mua xong mấy đạo bùa này chúng tôi đứa nào cũng mừng ra mặt, tôi thầm nghĩ chuyến này em Duyên của tôi chạy đâu cho thoát bởi đạo bùa của anh nguời Thượng dễ mến kia.
***
Trên đường trở về Sài gòn, ngồi trên xe tôi móc đạo bùa ra xem và trong bụng nghĩ thầm :
" Không biết ổng làm bùa bằng thứ gì mà hiệu nghiệm dữ vậy ? "
Sau lớp giấy bóng kiếng trắng là một miếng vãi màu đỏ, một vài mẫu cỏ khô vàng, vài ba hạt lúa, một tờ giấy màu vàng nho nhỏ có vẽ chi chít hàng chữ gi thật lạ lẫm, tôi nghĩ chủ yếu bùa linh thiêng là do tờ giấy vàng này, chứ mấy thứ kia tìm đâu mà chẳng có, nếu đơn giản thì cần gì phải mua một lúc sáu đạo bùa, chỉ cần mua một cái rồi về nhà mình làm nháy theo châc cũng linh ứng.
***
Quay lại lớp học với tâm trạng phấn chấn vì đứa nào trong ngũ quỷ cũng thủ một đạo bùa, chuyến này chắc mẩm chúng tôi sẽ cho mấy nàng biết thế nào là lễ độ, thằng Thành còn làm cao nó nói với cả bọn :
- Chuyến này em Thúy năn nỉ tao dữ dội lắm tao mới siêu lòng, còn không tao khiều mấy em đẹp như mơ ở bên lớp của thằng Tiến cho khỏi phí đời trai.
Thấy thằng Thành có ý định:
" Được chim bẻ ná, được cá quên nôm" tôi bèn khuyên bảo nó :
-Thôi ông ơi! Con Thúy coi vậy nó cũng biết điều lắm, mầy khiều nó được rồi hãy giữ lấy, ông "Thả mồi bắt bóng" coi chừng không đâu ra đâu thì hối hận không kịp nha.
Giờ giải lao đã đến, tôi hồi hộp đưa tay vào túi quần vân vê mãi đạo bùa, chỉ sợ chà sát không kỹ bùa không linh thì coi như uổng công.
Vừa trông thấy nàng Duyên của tôi trong tà áo dài tha thướt đi xuống từ phía cầu thang, tôi sáp lại gần và làm như vô tình đụng phải vai nàng, tôi vuốt nhẹ rồi nói lời xin lỗi để nàng khỏi nghĩ tôi đang có hành động mờ ám.
Nếu như mọi lần chắc có lẽ tôi nhận được những lời bực dọc từ phía nàng buông ra, không ngờ Duyên của tôi nở một nụ cười e ấp thật dễ thương. Con tim tôi rộn ràng nhịp đập, vậy là bùa của anh người Thượng kia đã bắt đầu hiệu nghiệm, tôi thầm cảm ơn vợ chồng anh người Thượng tốt bụng kia, anh đã giúp tôi gỡ được " một bàn thua trông thấy", đêm đó trong căn phòng trọ tôi chiêm bao một giấc thật đẹp, tôi và Duyên dìu bước nhau trong Thảo cầm viên Sài gòn, chúng tôi chụp ảnh thật nhiều, đến bên chuồng chim những đôi chim tỉa tót lông cho nhau thật hạnh phúc, tôi len lén lúc Duyên của tôi đang chăm chú xem hạnh phúc của đôi chim nọ, tôi bạo gan hôn nhẹ lên tóc nàng, đang vui vậy mà nàng tát tôi một cái đau điếng khiến tôi tĩnh giấc mơ hoa , thì ra tôi đang hôn tóc của thằng quỷ Thành nó tưởng tôi trở thành pê đê nên nó tát tôi một cái quá mạng, tuy đau nhưng tôi rất vui vì Duyên đã không tát tôi như trong giấc mơ kia.
***
Rồi thì sự thật phũ phàng cũng đến, sau bao lần chà sát bùa yêu, mấy đứa bạn tôi đều phàn nàn bùa chẳng hề linh nghiệm dù một phần nhỏ, có thằng nó dùng bùa vuốt một cô gái đến năm lần bảy lượt mà chẳng đâu vào đâu, đứa nào cũng cho là bị anh người Thượng kia lường gạt, riêng tôi cũng bán tín bán nghi vì thái độ của Duyên kể từ ngày tôi vuốt trên vai nàng thì thái độ Duyên đối với tôi có phần cởi mở, tôi ôm ấp ước ao một ngày nào đó Duyên của tôi sẽ cùng tôi đi dạo chơi Thảo cầm viên thật sự chứ không phải trong mơ, cứ thế mà hy vọng tôi lớn lên từng ngày.
Sáng nọ! Duyên không đến trường, hai ngày, một tuần, cả tháng nàng mất hút như tan vào hư vô .
Sốt ruột tôi hỏi thăm bạn bè cuối cùng tôi cũng tìm đến được nơi nàng ở, từ xa tôi nhìn thấy nàng đang sánh vai với anh chàng sỹ Quan không quân hào hoa, nàng tiển chân chàng ra khỏi cổng nhà và họ không quên trao nhau nụ hôn nồng nàn, dưới chân họ còn đầy xác pháo đỏ rực, tôi chết lặng trong lòng, thế là hết Duyên bây giờ không còn là Duyên của tôi, đến lúc này tôi mới thấy đám ngũ quỷ tôi nói đúng làm gì có bùa yêu, thọc tay vào túi quần tôi móc đạo bùa từng được tôi nâng niu gìn giữ, tôi quăng vào đống rác bên đường , tôi thốt lên trong tuyệt vọng:
- Đúng là cái quân lường gạt.
Hình ảnh vợ chồng người thượng hiện ra trong trí tôi, giờ tôi mới thấy hai vợ chồng này đóng một vỡ kịch hoàn hão mà không phải ai cũng có thể diễn được.
Đêm 19.2.2016
Nguyệt San Giao Muà xin cám ơn những thân hữu đã dóng góp bài vở cho Nguyệt San Giao Muà số 167 . Một số bài khác sẽ được đăng dần vào số tới. Mong mỏi sẽ nhận được những sáng tác của các bạn bốn phương để cho Nguyệt San Giao Muà thêm phần hương sắc trong tương lai.
2) Để rút ra danh sách của NSGM (unsubscribe),
xin gửi email về GiaoMua@hotmail.com
3. Mọi chi tiết, thể lệ, thắc mắc, xin gửi về:
GiaoMua@hotmail.com
4. Mọi bài vở, đóng góp, xin gửi về:
GiaoMua@hotmail.com
Nguyệt San Giao Muà
Homepage: http://www.GiaoMua.com
Thể lệ gửi bài cho Nguyệt San Giao Muà:
Mong bạn gửi Bài cho GM theo cách này là tốt nhất :
1. Dùng mẫu chữ Vietnet (VIQR) hay Unicode
2. Viết Hoa chữ đầu của bài và bút hiệu. Ví dụ: Giọt Mưa Trên Lácủa NS Phạm Duy
3. Gửi bài ngay trong email (không kèm file), để cho BBT khỏi mất công download xuống để đọc
4. Gửi tất cả các bài trong 1 tháng 1 lần trong1 email, nếu tiện.
5. Bài vở xin gửi đến trước ngày 25 mỗi tháng
6. Mọi chi tiết, thể lệ, thắc mắc, xin gửi về: GiaoMua@hotmail.com
Cám ơn bạn rất nhiều, vì nhân sự có hạn, BBT không thể ngồi đánh máy lại từng đề bài hay bút hiệu.
P.O . Box 378
Merrifield, Virginia 22116
USA
Trang Nhà